Lên cao nguyên hái trái Mùa hè ở Mộc Châu được báo bằng những tiếng chim ríu rít gọi nhau về vườn ăn quả. Từ cuối tháng 4, Mộc Châu bắt đầu vào mùa thu hoạch đào, mận, mơ. Từ trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu, theo đường rẽ vào Tân Lập khoảng 20 km là tới “cung đường hoa trái”. Chạy xe thêm chút nữa qua những khúc đèo quanh co đến thung lũng Nà Ka là bạn có thể lạc giữa “vương quốc hoa trái” của cao nguyên trù phú này. Những hàng cây mận được trồng từ sườn dốc thoải chạy tít tắp lên tận đỉnh đồi. Những quả đồi bát úp nhìn xa chỉ thấy một màu xanh rực, nhưng khi đi dưới những tán cây mới thấy cả một “vương quốc” trái cây. Khi vào chính vụ, những vạt đồi bạt ngàn đều pha thêm màu đỏ thẫm của mận đã chín, phụ họa thêm là những cây đào má đỏ cũng rực rỡ. Ở đâu cũng thấy những chủ vườn hối hả thu hoạch, từng quả mận đỏ tím vẫn còn nguyên lớp phấn trắng được nhẹ nhàng hái xuống thả vào làn hay gùi. Những tán lá xanh đậm hơn, làm nổi bật màu đỏ của những chùm quả chín Khoảng giữa tháng 5, tại Nà Ka thường diễn ra Ngày hội hái quả. Mọi người hăng hái vào vườn để thi hái mận, trưng bày mận theo chủ để, thi ăn mận và tham gia các hoạt động lễ hội cộng đồng cùng bà con địa phương. Nếu tới những bản xa sẽ thấy những người phụ nữ Mông, Thái váy áo rực rỡ nổi bật trong màu xanh bạt ngàn của những đồi mận nơi núi rừng Tây Bắc đang thoăn thoắt hái mận bỏ vào gùi sau lưng. Khi nắng đã lên, mọi người nghỉ dưới tán những cây mận xum xuê cây trái, chủ nhà mời ăn món đặc sản - những lát mận, mơ và sim quấn lá vả rồi chấm chẳm chéo - thứ gia vị đặc trưng của người Thái ở Tây Bắc. Có gia đình còn thêm chút gừng thái lát để thêm vị nồng ấm. Món ăn đều là những loại cây quả, gia vị của rừng núi, quyện đủ vị chua, chát, hăng cay, ngọt mặn đậm đà khiến người ăn một lần mà nhớ mãi. Cách ăn ấy, theo lời giải thích của một người dân địa phương là “ăn chua”. Người Thái ăn chua không thể ăn một mình, phải có bạn, thêm câu chuyện đưa đẩy vui vẻ kèm với gia vị cho món ăn. Hết mùa mận cũng là giữa hè, những trái mít, xoài trong vườn bắt đầu chín thơm, Mộc Châu còn có thêm mùa thu hoạch bơ. Những quả bơ xanh, căng mọng, thơm ngon, béo ngậy trở thành món quà đặc sản gửi về xuôi. Tận hưởng thiên đường xanh Một trong những điều được ví von “chưa đến là chưa biết Mộc Châu” chính là những đồi chè mênh mông nằm theo những sườn đồi thoải của cao nguyên. Qua một mùa xuân chìm trong sương mù, những đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu bắt đầu ra búp mới, xanh mướt, căng tràn sức sống. Những nông trường chè đông vui tấp nập hơn hẳn vì đã vào vụ thu hoạch, và cũng vì những người khách nóng lòng lên đường để lưu lại những bức ảnh kỷ niệm tại đây. Đồi chè trái tim Đài Loan là đồi chè nổi tiếng nhất trong vùng, gần với trung tâm nhất, chỉ cách nông trường thị trấn Mộc Châu khoảng 10 km. Giữa những luống cây được vun thẳng lối san sát nối tiếp nhau, những luống chè uốn cong mềm mại, xếp thành những vòng trái tim to dần trở thành điểm nhấn đặc biệt cho cả đồi chè. Theo những người dân trong vùng, chủ nhân đồi chè dành công sức tạo hình trái tim để thay lời muốn nói, bày tỏ tình yêu với vợ mình. Từ đó, rất nhiều đôi uyên ương, những bạn trẻ hay vợ chồng đều chọn vòng trái tim xanh tươi này để trao gửi tình cảm. Lòng vòng thêm chút nữa, qua mấy cánh đồng cỏ, những khu vườn xanh rì màu mận là đồi chè shan tuyết Mộc Châu, dân địa phương gọi là Làng chè, đồi chè Mộc Sương, đồi chè Tân Lập 2 và đồi chè trái tim Tân Lập 3. Những triền đồi rộng, thoải phủ một màu xanh, tràn ra khỏi tầm mắt khiến ai cũng ngỡ ngàng. Khung cảnh đẹp nhất ở đây chính là khi sáng sớm, sương mù vẫn còn lãng đãng trên những thảm xanh, búp non uốn cong vì sương đêm bám đầu lá trĩu xuống, bình minh mới lên làm khung cảnh trở nên lung linh hơn. Thường vào lúc sáng hoặc giữa chiều là thời điểm mọi người hái chè. Trong khung cảnh đó, hình ảnh những người công nhân đang cần mẫn hái chè, trên lưng đeo những gùi đựng những búp non xanh mướt trở thành những nét chấm phá cho cả một bức tranh yên bình. Sau khi những chiếc gùi đã đầy chè, du khách sẽ theo những người công nhân nông trường, nông dân về nhà học cách làm chè. Ở đó, bao giờ cũng có một ấm trà nóng thơm ngon đợi sẵn người về, nhấm nháp, thưởng thức vị chan chát nơi đầu lưỡi nhưng ngọt hậu, thơm mát, mang theo cả thiên nhiên xanh tươi hòa quyện trong từng chén trà nhỏ./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn