Du lịch Âu Lạc Việt Nam
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
  • Dịch vụ
  • Kinh Doanh
  • Điều hành
  • Thuê xe

HOTLINE: 091.551.6988 - 0986.14.05.88

Tìm tour du lịch

Tìm kiếm

Tour giá rẻ

Xem tiếp

Khuyến mại vàng

Xem tiếp

Giữ gìn nghề đan Quẩy tấu trên Cao nguyên đá

17/11/2017 - 11:26

Quẩy tấu - sản phẩm đậm tính sáng tạo

Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, chẳng khó để bắt gặp hình ảnh những chị em phụ nữ dân tộc lưng đeo Quẩy tấu rảo bước trên con đường gập ghềnh đá núi. Do địa hình hiểm trở, khó khăn trong việc đi lại nên chiếc Quẩy tấu được xem là một trong những vật hữu dụng nhất mỗi khi đi làm nương hay xuống chợ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được nâng cao, hiện nay nhiều gia đình đã tự sắm xe máy nhưng Quẩy tấu vẫn luôn là vật bất ly thân với đồng bào Mông nơi đây. Bởi người Mông cho rằng, khi đeo Quẩy tấu trên lưng sẽ cảm thấy vững chãi trước thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Trong quan niệm của phụ nữ Mông, chiếc Quẩy tấu còn được coi như một đồ trang sức, góp phần làm nên vẻ đẹp khỏe khoắn nhưng nết na của người phụ nữ.  

Theo lời kể của các già làng, trưởng bản, chiếc Quẩy tấu đã gắn liền với đời sống người Mông từ bao đời nay. Chẳng thể nhớ rõ Quẩy tấu có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là sản phẩm được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất và là sự sáng tạo độc đáo của người Mông.

Do người Mông sinh sống trên các sườn núi cao, dốc thẳm, gập ghềnh nên đã tạo ra chiếc Quẩy tấu. Để vận chuyển nông sản, hàng hóa từ nhà đi bán hoặc mua về nhà thì việc gồng gánh, khiêng, vác mất nhiều công sức và cần đến nhiều người; nhưng với chiếc Quẩy tấu, có thể mang lại sự tiện lợi và hữu ích hơn. Khi lên nương, Quẩy tấu dùng đựng cuốc, đựng dao; khi về đựng thêm rau, củ lấy từ nương rẫy. Mùa nào cũng vậy, Quẩy tấu là vật dụng hữu ích, trở thành người “bạn” với người Mông. Có khi Quẩy tấu đựng phân bón khi vào vụ; lại có thể đựng ngô, lúa khi thu hoạch hay có thể theo chân chị em xuống chợ để đựng những vật dụng thiết yếu.

Đối với đồng bào Mông, chiếc Quẩy tấu đồng hành từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Các em nhỏ thường được mẹ cho ngồi trong Quẩy tấu địu trên lưng, theo mẹ đi làm nương, đi chợ. Khi trở thành thiếu nữ, chiếc Quẩy tấu đeo trên lưng thể hiện sự đảm đang, khéo léo, vun vén của người phụ nữ. Đến lúc lấy chồng, chiếc Quẩy tấu lại theo bên mình lên nương, xuống chợ, rồi lại đặt con ngồi trong Quẩy tấu. Cứ thế, đời sau nối đời trước, chiếc Quẩy tấu gần gũi không thể tách rời với đồng bào Mông.

Trong đời sống văn hóa phong phú của đồng bào Mông, chiếc Quẩy tấu không chỉ dừng lại ở vật dụng thường ngày mà còn chứa đựng những yếu tố tâm linh thần bí. Vào những ngày Tết truyền thống, chiếc Quẩy tấu cùng với các vật dụng sản xuất quen thuộc như: cuốc, dao… được đồng bào coi trọng, đặt ở vị trí trung tâm bàn thờ để thắp hương cúng vái tổ tiên. Bởi theo người Mông, đây là việc làm báo cáo với tổ tiên về tình hình làm ăn trong một năm và để cầu mong sẽ được mùa màng bội thu trong những vụ sau.

Giữ gìn nghề truyền thống độc đáo

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hiện nay trên vùng Cao nguyên đá chỉ còn lại một số thôn làm nghề đan Quẩy tấu. Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống độc đáo này, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, ngoài việc tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu thường ngày của người dân, một số thôn đã biết cách tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Mèo Vạc là một trong những địa phương giữ gìn và phát huy tốt nghề đan Quẩy tấu ở thôn Cá Chúa Đơ, xã Giàng Chu Phìn. Đây là thôn có trên 60 hộ đồng bào Mông sinh sống nhưng có tới trên 40 hộ làm nghề đan Quẩy tấu. Với một người có tay nghề bình thường, một ngày có thể đan từ 2 - 3 chiếc Quẩy tấu; bình quân mỗi chiếc có giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng. Người dân thường làm vào những lúc nông nhàn nên ngoài sản xuất nông nghiệp, từ nghề này mỗi hộ có thu nhập thêm từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Quẩy tấu thường dùng nguyên liệu từ cây trúc và được đan theo hình dáng miệng tròn, đáy vuông. Để hoàn thành một sản phẩm, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn cây, chẻ nan đến kỹ thuật đan. Cây trúc khi lấy về được để ở nơi khô ráo; người có kinh nghiệm thường chọn những cây chưa già nhưng to, thẳng đều. Cây trúc đem về chẻ lấy phần cật làm nan; khi chẻ nan đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật lách dao cho nan đều để khi đan sẽ dễ và cho ra những chiếc Quẩy tấu đẹp mắt.

Kích thước mỗi chiếc Quẩy tấu được người đan to hay nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng; chiếc to dùng cho người lớn và những chiếc nhỏ thường dùng cho trẻ em. Quai đeo Quẩy tấu được làm bằng cành cây cọ xẻ trên rừng và được tết rất tỷ mỉ đảm bảo độ bền để gùi những vật nặng; thường đàn ông đan Quẩy tấu, phụ nữ tết quai đeo. Ở Cá Chúa Đơ, trẻ con được truyền dạy từ ông bà, bố mẹ; người biết dạy người chưa biết. Cứ thế, người dân ở đây gần như ai cũng biết đan Quẩy tấu.

Để nâng cao đời sống người dân từ nghề truyền thống, xã Giàng Chu Phìn đã thành lập Hợp tác xã sản xuất Quẩy tấu; tạo điều kiện cho các hộ vay vốn để đầu tư vào sản xuất; tập trung đẩy mạnh công tác khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới cây tre, trúc; chủ động giới thiệu cho nhân dân các thị trường tiêu thụ, tư vấn cho bà con nhân dân làm một số mẫu Quẩy tấu mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm đầu ra; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống… Đây được xem là các giải pháp hiệu quả không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn nghề truyền thống độc đáo nơi miền Cao nguyên đá./. 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn