Độc đáo làn điệu kà tơm – tà lềnh của đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh
- Thứ sáu - 18/08/2017 09:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làn điệu kà tơm – tà lềnh là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có từ lâu đời của các dân tộc. Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mã Liềng, những làn điệu dân ca với nội dung phong phú, được sử dụng trong nhiều khung cảnh, với lời ca mộc mạc đã phản ánh về cuộc sống lao động sản xuất, về tình yêu đôi lứa và về những sinh hoạt hàng ngày của đồng bào như đi nương rẫy, đi rừng, mò cua bắt ốc và các dịp lễ tết, cưới hỏi… Dân ca gắn bó một cách tự nhiên với sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Nội dung bài hát có thể sáng tác tùy hứng theo điệu “Kà tơm - tà lênh” rất được đồng bào ưa thích. Làn điệu kà tơm – tà lênh nghĩa là con trâu đi cày (kà tơm là con trâu, tà lênh là cày đất ). Điệu này bắt đầu bằng điệp khúc là “kà tơm – tà lênh ” hai lần và sau đó là nội dung bài hát. Làn điệu này thường dùng để hát đối nam nữ trong lao động sản xuất, trong vui chơi (cũng có thể hát một mình hoặc hát hai nam, hai nữ). Điệu hát này bắt nguồn từ tiếng gọi nhau đi làm lúc sáng sớm, hoặc theo đồng bào trước đây còn có điệu “kà răng - tà nên” nghĩa là chiều về trên đỉnh núi, là tiếng gọi nhau đi về lúc trời đã chiều. Điệu dân ca này không chỉ tạo nên không khí vui nhộn, hăng say trong lao động sản xuất, mà thông qua đó các chàng trai, cô gái còn gửi gắm tâm tình cho nhau: “Kà tơm - tà lênh, kà tơm - tà lênh, bởi chỉ mới chiềng chiêng kdang, kói, tihal ktoi, bới chị mới, kà tơm-tà lênh, kà tơm-tà lênh che phướng l nơ, phi co chô, che hel vấng tược…”. Tạm dịch là (kà tơm-tà lênh)2- O nàng ơi, mang kdâng, mang kói đi hái trầu, O có đi không, O này ơi (Kà tơm-tà lênh)2 em cũng muốn đi, mà trầu có chỗ, em sợ, em hái không được”. Điệu Kà tơm – tà lênh còn là điều nhắn nhủ, trao đổi kinh nghiệm cho nhau trong lao động sản xuất:“Kà tơm-tà lênh, Kà tơm-tà lênh, Kon a thi un aten kơ chông bi ai a chịt”. Tạm dịch là “con chim đen ăn giống cây, hãy bắn chết nó”. Không chỉ trong lao động sản xuất, điệu kà tơm - tà lênh còn được hát trong các dịp cưới, lễ tết và nó còn là tiếng ru con cửa các bà mẹ. Nội dung bài hát có thể sáng tác tùy hứng thường là những câu hát trao duyên kín đáo, tình tứ hoặc là những câu trêu ghẹo nhau nghịch ngợm, hóm hỉnh và có khi là những lời răn dạy con người. Ở đây điệu kà tơm - tà lênh có vần điệu rất thô sơ giống như những điệu cổ sơ của các điệu hát ví và hát dặm nghệ tĩnh. Điệu hát kà tơm - tà lênh là kết quả của quá trình tư duy của đồng bào xuất phát từ thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh với thiên nhiên, với sự vận động và phát triển của xã hội. Nhưng rất tiếc ngày nay do cuộc sống của đồng bào có nhiều thay đổi, cho nên các làn điệu dân ca đang bị mất mát dần và chưa có biện pháp nào để khai thác và lưu giữ trong đời sống văn nghệ ngày hôm nay./. |