Khám phá làng nghề nón lá Sai Nga (Phú Thọ)
- Thứ sáu - 18/08/2017 09:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những chiếc nón lá quen thuộc ấy vẫn đang theo các mẹ, các chị ra đồng ở các miền quê hoặc theo chân du khách xuất ngoại. Và hẳn trong số đó sẽ có những chiếc nón lá được làm ra từ bàn tay khéo léo của người Sai Nga, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ...
Chia sẻ về nghề nón lá quê mình, ông Trần Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) không dấu được biểu cảm tự hào: Từ lâu, Sai Nga chúng tôi đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh nhờ nghề nón lá với những sản phẩm bền đẹp. Hiện toàn xã Sai Nga có 1.179 hộ thì có tới 612 hộ tham gia làm nón. Thu nhập từ nghề nón đã góp phần quan trọng trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, đưa đời sống của người dân không ngừng cải thiện. Nghề làm nón lá của địa phương đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề từ năm 2006.
Chia sẻ về gốc tích của nghề làm nón, một số người dân làm nghề ở Sai Nga cho biết, đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) trong thời kì tản cư về đất Sai Nga họ đã mang theo nghề làm nón. Các bậc cao niên còn sống ở địa phương cho biết, nghề nón nơi đây xuất hiện chính thức và phát triển mạnh mẽ từ khoảng những năm 1950. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề nón về đây mà bén duyên và tặng cho người Sai Nga thêm nghề sinh nhai, và trong nhiều năm qua nghề nón lá tiếp tục góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Về nguyên liệu làm nón thường là bằng lá cọ. Đây là nguyên liệu sẵn có ở vùng đất Cẩm Khê nói riêng và vùng quê trung du Phú Thọ nói chung. Tuy nhiên, do lá cọ cứng nên đòi hỏi người khâu (hay còn gọi là may) nón phải thật khéo léo, bền bỉ và tinh tế. Ngày nay, nhiều hộ dân trong làng mua thêm lá thanh, lá mai làm nguyên liệu thay thế lá cọ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, nếu nón được làm bằng lá cọ sẽ bền và đẹp hơn.
Để làm ra một chiếc nón, người thợ phải thao tác qua rất nhiều công đoạn, từ tìm chọn nguyên vật liệu, làm vành, giẽ lá, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy...
Cụ thể, sau khi chọn được nguyên liệu, người thợ sẽ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu bộ bằng kim; khâu là công đoạn rất khó bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng. Người nào khâu mau tay và chắc tay chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn. Sau khi đã khâu xong thì bắt đầu nhôi. Đây cũng là công đoạn rất khó, nếu nhôi kỹ và chặt chiếc nón sẽ không bị sổ hoặc bung ra, còn làm qua loa, không đủ độ chặt kết quả sẽ ngược lại. Biên độ, lực tay thế nào đó cũng là bí quyết làm nghề của những người dân Sai Nga. Sau khi khâu xong chiếc nón, người thợ hơ bằng diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng và không bị mốc…
Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 3-4 chiếc nón, nếu làm giỏi có thể được 5-6 nón. Giá mỗi chiếc nón đẹp trung bình được bán với giá 60.000 đồng, trừ chi phí nguyên liệu và “lấy công làm lãi” mỗi chiếc nón cũng cho người thợ thu lời khoảng 50.000 đồng…
Về sản phẩm, hiện nay người dân trong xã chủ yếu làm 2 loại: nón kỹ với giá 55.000-60.000 đồng/chiếc, nón thưa có giá 45.000-50.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất 450.000 – 500.000 chiếc nón các loại; riêng năm 2016 cả làng sản xuất đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng./.