Phú Thọ: Di sản văn hóa mở hướng phát triển du lịch

Phú Thọ: Di sản văn hóa mở hướng phát triển du lịch
Cho đến nay, vùng đất Phú Thọ vẫn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và những địa điểm này đã trở thành điểm đến của du khách.

Cho đến nay, vùng đất Phú Thọ vẫn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và những địa điểm này đã trở thành điểm đến của du khách.

 


Du khách quốc tế trải nghiệm hát Xoan. Ảnh: Báo Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh có mật độ các di tích khảo cổ trải rộng trên địa bàn, trong đó có các di tích khảo cổ lớn Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Làng Cả chứa đựng nhiều dấu ấn, văn minh Việt cổ.

Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên trên địa bàn Phú Thọ phong phú, đặc sắc, bao gồm nhiều loại hình, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội và nghề thủ công truyền thống... Nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo của dân tộc Việt như: Lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám…

Đặc biệt, Phú Thọ có 3 di sản được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”, gồm: “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Ca trù của người Việt” (Phú Thọ nằm trong 17 tỉnh, thành phố thuộc vùng lan tỏa của Ca Trù).

Những địa bàn có di sản trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nhằm phát huy giá trị di sản, để di sản văn hóa góp phần phát triển du lịch, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp trong công tác bảo tồn trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Hiện nay, một số dự án khoa học về di sản văn hóa phi vật thể  đã được thực hiện. Nhờ đó nhiều tư liệu quý về một số loại hình di sản văn hóa có nguy cơ mai một đã được kịp thời sưu tầm, lưu giữ, phục hồi.

Ví dụ dự án “Điều tra, khôi phục sưu tầm và bảo tồn múa Chuông, múa Rùa và một số diễn xướng dân gian liên quan đến lễ hội người Dao Phú Thọ”; “Điều tra, sưu tầm, khôi phục và bảo tồn các diễn xướng dân gian người Mường ở Phú Thọ”...

Kết quả nghiên cứu cùng nỗ lực bảo tồn đã làm hồi sinh các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan ở Phú Thọ như: Tết nhảy của dân tộc Dao quần chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập), lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn), lễ hội của dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng)…

Cùng với ngân sách Nhà nước, Phú Thọ tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nhằm khơi dậy tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhiều di tích tiêu biểu - không gian văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù. Nó tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch, qua đó đóng góp cho phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo việc làm cho cộng đồng sở tại nơi có di tích và lễ hội.

Năm 2017, chỉ riêng Hát Xoan đã đón 14 đoàn/280 lượt người nước ngoài đến tham quan du lịch và 50 đoàn/150 đoàn khách các tỉnh xem biểu diễn tại miếu Lãi Lèn và đình Hùng Lô.

Phú Thọ cũng đã làm tốt việc gắn kết 2 di sản là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Các di tích liên quan được đầu tư, tu bổ, phục hồi, giúp bảo tồn được không gian văn hóa thực hành tín ngưỡng và không gian thực hành di sản.

Đây cũng là hướng mở cho phát triển du lịch - ngành “công nghiệp không khói, công nghiệp xanh của tỉnh trong tiến trình hội nhập./.