Quảng Bình thu hút đầu tư du lịch: Biến tiềm năng thành lợi thế

Quảng Bình thu hút đầu tư du lịch: Biến tiềm năng thành lợi thế
Quảng Bình nổi tiếng là “vương quốc” hang động với nhiều điểm đến kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; bên cạnh đó là sự đa dạng, phong phú các danh thắng tự nhiên và sự giàu có vốn văn hóa truyền thống. Tỉnh cũng nắm giữ lợi thế về giao thông với việc hội tụ đủ các loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Đây không chỉ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch, mà còn là thế mạnh hấp dẫn các nhà đầu tư.
Sau thời gian bị chững lại bởi sự cố môi trường biển, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình và phục hồi mạnh mẽ với việc đón khoảng 2 triệu lượt khách trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 30% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tin tưởng và chủ động đầu tư phát triển thêm các dịch vụ du lịch, như việc đưa vào phục vụ khách du lịch với hơn 500 phòng ngủ tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, 3 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với gần 2.000 chỗ ngồi, 30 xe điện phục vụ khách tham quan và City tour, nhiều quán cà phê, karaoke sang trọng, hiện đại, khai thác khu dịch vụ đêm (Everland) tại TP. Đồng Hới.

Các đường bay Đồng Hới-TP. Hồ Chí Minh, Đồng Hới-Hà Nội và ngược lại được tăng thêm từ 2 đến 3 chuyến/ngày, mở thêm đường bay Đồng Hới-Cát Bi với tần suất 3 chuyến/tuần, đường bay quốc tế đầu tiên Đồng Hới-Chiang Mai (Thái Lan) với tần suất 2 chuyến/tuần.

Các điểm đến du lịch Quảng Bình được phát triển thêm và chất lượng hơn các năm trước. Nhiều điểm đến được đầu tư để mở rộng quy mô dịch vụ, như: suối nước Moọc, Zipline sông Chày-hang Tối, khu du lịch sinh thái động Thiên Đường; mở rộng tuyến Rào Thương-Hang Én đến hang Nước Lạnh; thử nghiệm tuyến du lịch khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới với lộ trình 4 ngày 3 đêm...

Các điểm đến mới được ra mắt, như: tuyến du lịch khám phá thung lũng Hamađa-hang Trạ Ang, hang Rục Mòn-hồ Yên Phú, khu thể thao dưới nước Chày Lập. Hiện, tỉnh đang khảo sát để mở tuyến du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa các tộc người Arem-Ma Coong,...

Đặc biệt, các bãi tắm từ Đá Nhảy đến khu vực Đồng Hới, Hải Ninh đã thu hút được lượng lớn khách du lịch đến tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản, tạo cho khách du lịch có nhiều sự lựa chọn, giảm được áp lực lên các điểm du lịch tập trung quá đông khách. Trong 7 tháng đầu năm 2017 đi cũng là thời gian Quảng Bình ghi nhận có rất nhiều dự án về du lịch xin chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh đã giải quyết vấn đề chuyển giao chủ đầu tư ở suối nước nóng Bang và giao cho Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư khai thác, dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, góp phần giải quyết tính mùa vụ thời kỳ thấp điểm đối với du lịch tỉnh nhà cũng như tạo động lực cho sự phát triển trung tâm du lịch phía Nam của tỉnh...
Ông Trần Thế Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Không Gian Xanh cho biết: “Dự án Khu Everland của công ty chúng tôi triển khai thực hiện từ năm 2016 với nguồn vốn 92 tỷ đồng trên diện tích 18.000m2 (trong đó có khoảng 7.500m2 là đất công cộng) gồm: nhà hàng, khu ẩm thực dân gian, khu vui chơi cho trẻ em, khu cà phê, phòng tổ chức sự kiện, quảng trường nhạc nước...

Hiện, khu nhà hàng đã được đưa vào hoạt động, dự kiến tháng 12 này sẽ hoàn thiện dự án. Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi được UBND tỉnh, UBND TP.Đồng Hới và các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép đầu tư, các thủ tục miễn giảm thuế, bến bãi đỗ xe, tu sửa vỉa hè xung quanh dự án...”.

Dù thời gian qua đã có nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch, nhưng so với tiềm năng, thế mạnh và tốc độ tăng trưởng của du lịch Quảng Bình qua hàng năm, các sản phẩm du lịch vẫn còn ít, nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện.

Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân, bãi đỗ xe du lịch, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách, thiếu các khách sạn từ 3 sao trở lên, nhà hàng đạt chuẩn, các đầu xe từ 29-45 chổ ngồi phục vụ khách du lịch và các sản phẩm du lịch nhằm khắc phục tính mùa vụ trong thời kỳ thấp điểm. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch hiện tại có quy mô vừa và nhỏ, tự phát, năng lực cạnh tranh yếu, chưa đủ sức vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Để phát triển du lịch cũng như thu hút, kêu gọi đầu tư, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 (bổ sung, sửa đổi); Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 30/4/2014 của UBND tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư đối với cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ tại các trung tâm du lịch của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp các khu, tuyến, điểm du lịch đã có; kêu gọi đầu tư phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch mới, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đầu tư khai thác mới các hang động, các tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm, các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tộc người, các sản phẩm du lịch cộng đồng; khai thác phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Nói về nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư du lịch, ông Phạm Quang Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội từng chia sẻ: “Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, chúng tôi đã quyết định đầu tư vào Quảng Bình, dự kiến sẽ xây dựng khách sạn Pullman 5 sao với quy mô khoảng hơn 300 phòng. Với sự nhiệt tình và rất quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, trong vòng 60 ngày, chúng tôi đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Là một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, chúng tôi thấy đây là một thời gian ngắn kỷ lục”.

Hiện tại, Quảng Bình đang thiếu số lượng lớn các cơ sở lưu trú cao cấp. Trong khi, xu thế sử dụng các khách sạn từ 3 sao trở lên của khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao, nhu cầu tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo... ngày càng nhiều. Nếu có nhiều dự án đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, du lịch Quảng Bình một mặt sẽ đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn, mặt khác góp phần kích thích phát triển loại hình du lịch MICE, là loại hình du lịch sẽ góp phần rất lớn khắc phục tính thời vụ của du lịch.

Quảng Bình cần kêu gọi đầu tư phát triển các nhà hàng đạt chuẩn góp phần giải quyết nhu cầu ăn uống của khách du lịch, mặt khác nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đầu tư xe vận tải khách du lịch từ 29 đến 45 chỗ ngồi, do nhu cầu sử dụng xe sẽ tăng, bởi khách du lịch đến Quảng Bình bằng đường sắt và đường hàng không ngày càng nhiều. Khách du lịch đến Quảng Bình nhiều và tăng nhanh, nhưng hệ số lưu trú bình quân thấp.

Nguyên nhân có thể nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đêm... Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình này là việc làm cấp thiết, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của du khách, người dân, vừa tăng hệ số lưu trú du lịch, góp phần khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch.

Dự báo trong thời gian tới, du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục trên đà tăng trưởng nhanh và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Để tạo được ấn tượng và niềm tin cho các nhà đầu tư, các sở, ban, ngành liên quan cần nâng cao trách nhiệm của mình về công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; công tác an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa trong vận chuyển khách du lịch; tăng cường các trạm ATM, cung cấp đủ điện, nước; có biện pháp giải quyết nạn ăn xin, chèo kéo, đeo bám du khách, đặc biệt tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng; phối hợp chặt chẽ trong công tác hỗ trợ khách du lịch, đào tạo nhân lực,.../.