Xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình

Xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình
Ngày 8/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình “Non nước hữu tình”.

Ngày 8/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình “Non nước hữu tình”.

 


Cảnh đẹp Ninh Bình. Ảnh: VOV

Chia sẻ về mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 2016, tỉnh Ninh Bình đón 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.700 tỷ đồng. Ngành du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 6,7 triệu lượt khách trong năm 2017; đến năm 2020 đón 7,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tại Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình, đại diện nhiều công ty lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch đã nêu một số bất cập, tồn tại cần được khắc phục để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển. Chẳng hạn, giá vé ở các điểm tham quan du lịch tại Ninh Bình tăng thường xuyên, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Vào mùa cao điểm du lịch, du khách phải chờ đợi rất lâu tại các điểm tham quan, vé tham quan in mờ và mau phai khiến việc quyết toán thuế của công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành gặp nhiều khó khăn.

Đại diện nhiều công ty du lịch kiến nghị ngành du lịch Ninh Bình quan tâm hơn đến các mặt hàng lưu niệm, đa dạng hóa các món ẩm thực, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách du lịch, đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả tình trạng "chèo kéo" du khách tại một số điểm du lịch.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Việt Nam đề xuất: Ngành du lịch Ninh Bình cần quan tâm hơn đến công tác xúc tiến quảng bá đi vào chiều sâu, đến từng thị trường cụ thể, nhất là thị trường khách du lịch quốc tế. Ngoài những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử vốn có thì điểm lớn nhất thu hút khách du lịch là các dịch vụ vui chơi giải trí. Vì vậy, Ninh Bình cần tiếp tục đầu tư chuyên nghiệp từ cơ sở hạ tầng đến đội ngũ quản lý, cung cấp dịch vụ nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững

Theo ông Bùi Thành Đông - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, để góp phần làm phong phú các mặt hàng lưu niệm, ngành du lịch Ninh Bình đang nghiên cứu, giới thiệu một số các sản phẩm lưu niệm mới như đồng tiền Thái Bình hưng bảo (đồng tiền đầu tiên ở Việt Nam)... Nhằm tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành đưa du khách đến Ninh Bình, ngành du lịch Ninh Bình sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để thay đổi mực in, đảm bảo cho công tác thanh quyết toán của công ty lữ hành.

Ninh Bình là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đa dạng, phù hợp phát triển du lịch. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An rộng hơn 12.000 ha với Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động và một phần khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, có sự tổng hòa giữa sự trầm mặc của Bái Đính cổ tự và sự nguy nga hoành tráng của Bái Đính tân tự. Chùa Bái Đính còn được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất.

Tại Ninh Bình còn có Nhà thờ đá Phát Diệm là khu nhà thờ được xây dựng bằng đá và gỗ. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo giao hòa giữa phương Đông và phương Tây. Tại quần thể này có Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được xây dựng hoàn toàn bằng đá, là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc đá đặc sắc. Ninh Bình cũng có Di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư vốn trước đây là kinh đô của ba vương triều Đinh, Tiền Lê, Lý với đền vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành.

Cùng với những danh lam thắng cảnh, Ninh Bình còn có nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân, làng nghề chiếu cói Kim Sơn, làng nghề gốm Bồ Bát... Tỉnh cũng có nhiều điểm du lịch nổi bật như Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham với vườn chim duy nhất khu vực miền Bắc và nhiều hệ thống hang động đặc sắc. Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà "ẩn mình" trong lòng núi Tướng với hệ thống động có chiều dài 700 m được coi là “dải ngân hà trong lòng núi”./.