Dù lượng khách đến với An Giang năm sau cao hơn năm trước nhưng nhiều năm qua du lịch địa phương vẫn chưa tạo nên đột phá vì nhiều “cái thiếu”. Thống kê của ngành du lịch An Giang năm 2010 địa phương đã đón và phục vụ 4,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 48 nghìn lượt), năm 2016 An Giang đón 6,5 triệu lượt khách (khách quốc tế là 70 nghìn lượt). Trong giai đoạn 2010 – 2016, tốc độ tăng trưởng khách bình quân là 4%/năm. Đáng chú ý trong 9 tháng của năm 2017, An Giang đã đón 7 triệu lượt khách (tăng 11% so cùng kỳ năm 2016, đạt 102% so với kế hoạch), doanh thu du lịch đạt 3.250 tỉ đồng (tăng 96% so cùng kỳ)... Có thể thấy dù lượng khách đến đây năm sau có cao hơn năm trước nhưng như lời chuyên gia Guillaume Van Grinsven (thuộc Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan đến nghiên cứu và tư vấn xây dựng thương hiệu Du lịch An Giang) thì khách đến địa phương rất nhiều nhưng hầu hết không phải là khách du lịch đúng nghĩa (khách du lịch ở lại lâu hơn, tiêu xài nhiều hơn, quay trở lại và họ kể cho bạn bè, người thân nghe về những trải nghiệm của họ). Hiện nay khách đến An Giang chủ yếu vì mục đích hành hương, tâm linh là chính. Đồng tình với quan điểm trên, đại diện các công ty lữ hành cho hay thời gian qua khách đến An Giang để tham gia các tour tuyến sản phẩm du lịch, tìm hiểu khám phá thiên nhiên, văn hóa… rất ít. Qua đó, nhiều ý kiến đề xuất đã đến lúc An Giang cần tập trung xây dựng thương hiệu du lịch, trong đó lấy du lịch tâm linh làm cốt lõi, đồng thời phải triển khai hàng loạt sản phẩm du lịch mới lạ. Cụ thể là khai thác lợi thế phát triển du lịch qua đa dạng nét văn hóa đặc sắc 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa), tạo ra những hành trình tìm hiểu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng, kèm nhiều di tích lịch sử - văn hóa, có tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng khắp cả nước, hành trình khám phá vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, về nguồn tri ân tại hai di tích quốc gia đặc biệt là di tích Khu lưu niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng và di tích khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê. Để làm được việc trên, các cơ quan chức năng cần có những chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư mở rộng các khu vui chơi, mua sắm với chi phí thấp… Từ đây tạo nên nhiều sản phẩm tour tuyến du lịch mới, đáp ứng đa đạng nhu cầu của du khách, khiến họ từ mục đích ban đầu là du lịch tâm linh nhưng đến An Giang thì sẽ phải “bất ngờ” vì phát hiện ra nhiều tour du lịch quá hấp dẫn và sẵn sàng tăng thêm số ngày lưu trú, ở lại để khám phá, chi tiêu nhiều hơn tại địa phương. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu lên tình trạng dịch vụ tại các khu điểm du lịch ở An Giang hiện đang phát triển một cách tự phát không như mong muốn. Vì vậy, trong thời gian tới bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu du lịch, các ngành chức năng sẽ phối hợp để tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch, sắp xếp lại khu du lịch Núi Cấm, khai quật di chỉ văn hoá Óc Eo, tập huấn hướng dẫn người dân cùng làm du lịch, mở rộng hợp tác kết nối du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước…, từng bước khẳng định thương hiệu riêng, đưa du lịch của tỉnh “thay da đổi thịt”./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn