Sau 3 ngày khảo sát cung đường Đông Bắc nhằm kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Câu lạc bộ (CLB) Du lịch cộng đồng CTC thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã bàn giao ngay những sản phẩm du lịch khả thi cho địa phương và đẩy mạnh hợp tác khai thác.
Theo các thành viên trong đoàn khảo sát: Tuyến tham quan Bình Liêu- Hải Hà- Móng Cái có thể kết nối thành những tour du lịch vô cùng độc đáo. Bất ngờ nhất cho đoàn có lẽ là những điểm đến tại Bình Liêu hoặc tuyến từ Bình Liêu.
Đoàn famtrip với hơn 100 thành viên của CTC trên toàn quốc (từ Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, TPHCM, Gia Lai, Kiên Giang…) và đại diện một số cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan thông tấn báo chí vừa khảo sát các tuyến điểm mới tại Quảng Ninh, Lạng Sơn như: Cột mốc biên giới 1297 và đồi lau Thiên Đường (xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Hoành Mô, thác Khe Vằn, đình Lục Nà huyện Bình Liêu; đồi chè và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà); mũi Sa Vĩ, biển Trà Cổ và đảo Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái)…
Hiện nay, Bình Liêu có 4 tuyến được công nhận gồm: Tuyến 1: Thị trấn Bình Liêu- xã Húc Động- xã Đồng Văn- cửa khẩu Hoành Mô; Tuyến 2: Thị trấn Bình Liêu- đường tuần tra biên giới- cửa khẩu Hoành Mô- Núi Cao Ba Lanh; Tuyến 3: Trung tâm thị trấn Bình Liêu- thác Khe Vằn; Trung tâm thị trấn Bình Liêu- cửa khẩu Hoành Mô. Và 11 điểm du lịch được công nhận gồm: Điểm du lịch núi Cao Ba Lanh (xã Đồng Văn); Đình Lục Nà (thôn Lục Nà, xã Lục Hồn); Thác Khe Vằn (thôn Lục Ngù, xã Húc Động); Chợ phiên Bình Liêu (Chợ chủ nhật hàng tuần tại thị trấn Bình Liêu); Chợ phiên Đồng Văn (chợ thứ bảy hàng tuần tại khu chợ xã Đồng Văn); Cột mốc 1317 (2) và cửa khẩu Hoành Mô (xã Hoành Mô); Thác Khe Tiền (xã Đồng Văn); Thác Sông Moóc (xã Đồng Văn); Đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu (các xã Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô); Hợp tác xã Phát Triển Xanh (xã Lục Hồn, Bình Liêu); Cơ sở sản xuất miến dong Đồng Tâm (thôn Pắc Pò, xã Đồng Tâm).
Trong đó, chỉ riêng tuyến tuần tra biên giới, cột mốc dài mấy chục cây số, ven theo các triền núi, dốc đứng trên địa bàn huyện Bình Liêu cũng đủ để thỏa mãn niềm đam mê khám phá, chinh phục của dân yêu du lịch. Nhất là đường từ Bình Liêu đi cột mốc biên giới 1297 và đồi lau Thiên Đường (xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) hoặc đường đi tới cột mốc 1300, 1302, 1305, 1327. Muốn tới cột mốc 1305 phải đi qua “sống lưng khủng long” là nơi mà rất nhiều phượt thủ cả nước muốn được đặt chân đến một lần. Bình Liêu được ví như Sa Pa vùng Đông Bắc, mùa này Bình Liêu vô cùng thơ mộng với những ngọn đồi trắng muốt bông lau. Không thể kìm lòng được mà thốt lên tiếng yêu từ sâu thẳm trái tim trước cảnh đẹp của đất nước mình. Và sẽ nhớ mãi lúc để tay lên ngực trái hát quốc ca ở những cột mốc thân thương trên đỉnh núi.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia đoàn cho rằng, những tiềm năng vô cùng đặc sắc mà những nơi khác không có của Bình Liêu sẽ tạo điểm nhấn cho sản phẩm như: hệ thống cột mốc, đường tuần tra biên giới; ẩm thực phong phú với bánh chưng, xôi ngũ sắc, phở chấm, bánh ngải, xôi ngừng của lễ cơm mới, miến dong, cá suối…; cảnh quan hùng vĩ, núi non trùng điệp, ruộng bậc thang đang mùa lúa chín; văn hóa dân tộc của Dao, Sán Chỉ, Tày như Lễ cấp sắc người Dao, Lễ hội hoa Sở… ở Bình Liêu rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng- homestay, du lịch nông nghiệp và du lịch lịch sử văn hóa.
Tuy nhiên, hiện nay khách du lịch đến với Bình Liêu chủ yếu là dân phượt, khách tự đi chứ chưa có nhiều công ty du lịch đưa khách đoàn đến vùng này. Bên cạnh đó, để thu hút được nhiều hơn nữa khách du lịch có chi tiêu và lưu đêm lâu hơn ở Bình Liêu, UBND tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu cũng cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút người dân tham gia làm du lịch và sản xuất, bán, giới thiệu các đặc sản địa phương để đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Bên cạnh đó, cần có tăng cường xúc tiến quảng bá, cung cấp những thông tin cơ bản cho du khách như: khoảng cách địa lý giữa các điểm đến, điều kiện thời tiết, phương tiện đi lại, dịch vụ ăn nghỉ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm… để du khách có thông tin và chuẩn bị cho chuyến đi.
Móng Cái không chỉ là thành phố có vị trí kinh tế- chính trị chiến lược nơi địa đầu Tổ quốc, mà còn là mảnh đất giàu truyền thống, địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn với 4 tuyến du lịch và 15 điểm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh như: đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, cầu Ka Long, cầu Bắc Luân, bãi biển Trà Cổ, mũi Sa Vĩ, đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung…
Ngay trong chuyến khảo sát, Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC cũng đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Kết nối mới- sản phẩm mới” để các thành viên chia sẻ và đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng sản phẩm mới cho Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Ông Lê Vũ Hoàng, Công ty Phương Đông Ngày Nay (Đà Nẵng) cho biết: “Những điểm đến ở Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái rất đặc sắc và một nhóm doanh nghiệp chúng tôi tham gia đoàn khảo sát đã xây dựng được một số tour trọn gói từ Đà Nẵng hoặc TP.HCM đi Hà Nội- Quảng Ninh (Hạ Long- Bình Liêu- Hải Hà- Móng Cái) 5 ngày 4 đêm hoặc 6 ngày 5 đêm. Nếu du khách có nhiều thời gian hơn có thể kết hợp xuất ngoại bằng giấy thông hành qua cửa khẩu Móng Cái để tham quan, mua sắm ở thị xã Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Chúng tôi cho rằng, việc kết nối các điểm Bình Liêu, Cái Chiên, Hải Hà, Vĩnh Thực, Trà Cổ là rất khả thi, có thể triển khai ngay sau khi kết thúc chuyến khảo sát và chắc chắn sẽ là những sản phẩm hấp dẫn đối với các du khách cả trong và ngoài nước”.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng CTC chia sẻ: “Với mục đích kết nối- đồng hành- phát triển, chúng tôi mong muốn sau mỗi chương trình khảo sát như thế này sẽ tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp du lịch trên khắp cả nước với chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch tại điểm đến; xây dựng được những bộ sản phẩm chuẩn cho điểm du lịch đã khảo sát, hỗ trợ địa phương thúc đẩy phát triển du lịch”./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn