Thác Tình yêu bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên, nơi còn giữ được thảm thực vật khá nguyên vẹn, có nhiều loại cây quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam. Thác chảy qua nền địa hình cao, dốc, nên tốc độ dòng chảy mạnh và xiết. Lớp đá của dòng nước dưới chân thác ánh lên một màu vàng kỳ lạ, nhất là dưới ánh mặt trời làm cả dòng suối long lanh sắc vàng.
Con đường mòn đất đỏ đưa du khách đi qua khu rừng bạt ngàn một màu xanh của trúc, tiếng lá cây xào xạc lẫn trong từng cơn gió, rồi chợt bừng lên muôn vàn sắc màu của các loài hoa Đỗ Quyên. Du khách lội qua một con suối nữa là tới thác nước, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến tham quan.
Thác nước từ trên cao gần một trăm mét đổ xuống dữ dội mang theo hơi lạnh đến run người, những giọt nước trắng xoá tung ra từ đỉnh thác tạo thành màn sương mỏng che khuất rừng cây hai bên thác. Dữ dằn là vậy nhưng ta vẫn cảm nhận thấy “cái hồn” của con thác được dệt lên từ “nhịp đập” của tình yêu và tên gọi thác Tình yêu đi vào lòng người dân từ lúc nào.
Thác đổ xuống tạo thành một bồn tắm thiên nhiên tuyệt đẹp, các nàng tiên trong câu chuyện kể của người xưa đã chọn nơi đây làm bến tắm và mải mê chơi đùa cho đến khi mặt trời đã xuống núi mới bay về trời.
Đến thăm thác Tình yêu du khách còn được nghe kể về chuyện tình của chàng tiều phu và nàng Tiên thứ bảy bên dòng thác trắng: “Các nàng Tiên say mê trước cảnh đẹp của cỏ cây hoa lá, cảnh đẹp của dòng thác, như tuôn chảy từ trời xanh mây thắm nên đã xuống nơi đây để tắm. Trước khi về trời các nàng Tiên thường phơi xiêm y trên những khóm hoa sặc sỡ, trên thảm cỏ mướt xanh. Một lần kia, nàng Tiên thứ bảy phát hiện bên dòng suối có một chàng tiều phu đang nấu cơm, vừa nấu cơm chàng vừa lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe vời vợi, khi như tiếng suối reo, khi líu lo như tiếng chim rừng...Một lần do mải nghe tiếng sáo của chàng, nàng quên mất đường về, đêm xuống những cơn gió núi như thổi từ các hốc đá lạnh run người, nàng đến bên đống lửa của chàng. Nàng biết được, chàng tên là Ô Qui Hồ, con trai cả của Thần núi ngự trị trên dãy núi Ai Lao, vì mê loài trúc nơi đây (đã làm nên những cây sáo kỳ diệu) mà quên phận sự của con trai cả là phải tu luyện để nối nghiệp cha. Có lẽ vì giận chàng nên Thần núi cha chàng đã hoá phép biến chàng thành người thường thả xuống đỉnh núi này để trồng trúc, chăn mây và thổi sáo. Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, bên thác Tình yêu, người con trai của Thần núi đã thổi sáo cho nàng Tiên thứ bẩy nghe những bản tình khúc mê hồn, tiếng sáo của chàng hay đến nỗi hươu nai, hổ báo, chim rừng và cả cá dưới suối cũng rạch lên bờ nhảy múa theo giai điệu của tiếng sáo du dương và tiếng thác chảy tuôn trào. Hai người cùng nhau trò chuyện cho đến khi ánh mặt trời chói chang rọi xuống mặt đất nàng mới vội vã bay về trời. Ngày nào cũng thế, cho đến một hôm nàng bị cha mẹ phát hiện và không cho nàng theo các chị xuống thác Tình yêu tắm nữa. Nàng nhớ chàng tiều phu nên chiều nào cũng ra cổng trời nhìn xuống thác Tình yêu và nghe tiếng sáo nhưng không thấy chàng đâu. Nàng buồn phiền biến thành một loài chim màu vàng bay quanh đỉnh núi và tiếng kêu Ô Qui Hồ, Ô Qui Hồ da diết không nguôi.
Đến nay, tiếng chim gọi bạn vẫn da diết vào mỗi buổi chiều buông, làm cảnh vật thiên nhiên tuy đẹp nhưng nhuốm màu buồn chia ly.
Thác Tình yêu chứa đựng sức hút du lịch rất lớn, tuy nhiên hiện nay, địa điểm này còn mới mẻ với du khách. Nếu biết khai thác sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái của huyện Sa Pa./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn