Du lịch Âu Lạc Việt Nam
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
  • Dịch vụ
  • Kinh Doanh
  • Điều hành
  • Thuê xe

HOTLINE: 091.551.6988 - 0986.14.05.88

Tìm tour du lịch

Tìm kiếm

Tour giá rẻ

Xem tiếp

Khuyến mại vàng

Xem tiếp

Khám phá 3 điểm đến không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Phúc

26/08/2017 - 09:59

Lên Tây Thiên là đến với Phật, về với Mẫu

Điểm nhấn trong du lịch văn hóa tâm linh của Vĩnh Phúc đầu tiên phải kể đến là danh thắng Tây Thiên, tọa lạc trên dãy núi Tam Đảo thuộc địa phận xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây Bắc, nơi đây được biết đến như một chốn linh thiêng, u tịch, nơi giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ mẫu, là địa điểm thu hút du khách đến chiêm bái, cầu mong nhiều sức khỏe, bình an.

 

 

Tương truyền từ xa xưa, ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Nơi đây còn có Lễ hội Tây Thiên - một lễ hội truyền thống tôn vinh nét đẹp văn hóa thờ Mẫu được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ đến Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu – hoàng phi của vua Hùng thứ VII. Người có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa... Xong công việc, bà trở về quê hương tại thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay, rồi “hóa” tại đây.


Ở Tây Thiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Những người hành hương tới đây luôn tin rằng những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và thành hiện thực. Chính vì thế mà người ta cho rằng đến với Tây Thiên là "Đến với Phật, về với Mẫu". Tây Thiên đã trở thành thánh địa linh thiêng, là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.
 

Tam Đảo - Đà Lạt của miền Bắc


 

Được ví như Đà Lạt của miền Bắc, nhiều năm trở lại đây, Tam Đảo trở thành một điểm đến quen thuộc cho những du khách ở các tỉnh lân cận, đặc biệt là du khách ở Hà Nội. Tam Đảo có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn. Khí hậu mát mẻ quanh năm. Cái tên Tam Đảo có được là do ba ngọn núi cao Thạch Bàn (1.388m), Thiên Thị (1.375m) và Phù Nghĩa (1.400m) nhô lên trên biển mây. Ẩn mình sau lớp mây ngàn trên đỉnh núi, những ngôi biệt thự đã có gần 100 năm tuổi tuyệt đẹp, sang trọng. Mỗi biệt thự là một tác phẩm kiến trúc hài hòa, nằm rải rác trên những sườn núi hình cánh cung nhìn ra ba bề rừng già trùng điệp và các thung lũng sâu thẳm bên dưới.

 

 

Thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh tuyệt vời, vừa thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi...


Với những nét hoang sơ pha chút cổ kính từ kiến trúc từ thời Pháp thuộc, với khí hậu mát mẻ quanh năm, Tam Đảo là một điểm du lịch lý tưởng đối với bất cứ ai muốn tạm thời lánh xa nơi phố thị ồn ào, hay đơn giản chỉ là một kì nghỉ cuối tuần nho nhỏ để giải tỏa đầu óc, thư giãn với nơi khí hậu trong lành, đẫm màu xanh tươi…
 

Tháp Bình Sơn - đỉnh cao về trình độ nghệ thuật trang trí đất nung 

Tháp Bình Sơn được xây dựng từ thời Trần, nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh, thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô. Đây là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến nay.
 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 là tháp nung có quy mô to lớn, đồ sộ, trang trí hoa văn đa dạng, có niên đại cổ xưa nhất, nhiều nét độc đáo cả về kiến trúc, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng, đạt tới đỉnh cao về trình độ nghệ thuật trang trí đất nung Việt Nam.


 

Tháp Bình Sơn là di tích có kiến trúc độc đáo, sáng tạo, hội tụ nét tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam cả về vật thể và phi vật thể, cả về Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá đây là công trình kiến trúc nghệ thuật nguyên vẹn nhất trong số những tháp cổ của nước ta còn tồn tại đến ngày nay.

Năm 2016, Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự khẳng định giá trị văn hóa to lớn của hai di tích, qua đó đem lại những tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển của văn hóa, du lịch và kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, vị trí địa lý, địa hình đa dạng, là nơi hội tụ nhiều loại hình di sản văn hoá phong phú hẫp dẫn. Ngoài những công trình văn hoá, địa danh văn hoá lịch sử trên, còn có chùa Hà, đền Thính, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu…

Bên cạnh đó là những giá trị văn hoá phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất văn hiến lâu đời với nhiều lễ hội tiêu biểu, như: lễ hội Mậu Lâm (Vĩnh Yên) nổi tiếng với trò múa Mo, chọi trâu ở Hải Lựu (Lập Thạch)… những món ăn đặc sản địa phương, những nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt của đồng bào dân tộc Kinh, Sán Dìu, Cao Lan… luôn là mối quan tâm hàng đầu của du khách bốn phương./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn