Đắn đo nhiều lần để rồi vẫn quyết tâm rũ bỏ những bộn bề công việc, chúng tôi đi đến cung đường trekking được các giới phượt thủ mệnh danh là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam.
Niềm vui của phượt thủ khi chinh phục được đỉnh Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: H.Y
Trong chuyến đi chúng tôi còn thấy nghĩa cử cao đẹp của không ít bạn trẻ, các bạn để lại bông băng thuốc sát trùng để những ai bị thương có thể sử dụng ngay, hay chia sẻ nhau nắm cơm dọc đường. Đặc biệt, không ít bạn làm rơi đồ trong đó có tiền cũng được các bạn tìm người đánh rơi trả lại... Đấy là hành động đẹp của những con người cùng chung niềm đam mê khám phá thiên nhiên.
Lên đỉnh hoang sơ
Để chuẩn bị cho một chuyến đi rừng, chúng tôi phải chuẩn bị mọi thứ từ nước uống, lương khô đến vật dụng cá nhân, đồ y tế, lều trại... Bắt đầu hành trình, 6h sáng chúng tôi được xe đón tại Ngã ba Tà Hine ghép chung đoàn với các bạn ở thành phố Hồ Chí Minh. Xe trung chuyển đến xã Đa Quyn và thả chúng tôi ở đó. Theo lời người dẫn đường K’Vân, trên hành trình của cung đường có tới 25 km băng rừng, leo đèo, vượt suối... để chinh phục vẻ đẹp đường rừng này và chúng tôi phải mất 2 ngày 1 đêm để hoàn tất lộ trình khám phá.
Hơn 8 giờ đi bộ xuyên rừng, với balô trên lưng chứa đầy đồ ăn, nước uống, còn dốc thì cao, nhìn xuống bên dưới là cả một biển cỏ mênh mông dập dìu theo tiếng gió dưới cái nắng chói chang. Chúng tôi cảm thấy mình nhỏ bé, tay chống gậy, khó nhọc liêu xiêu bước từng bước một, chậm dần vì xuống sức. Trời đang nắng vậy mà bỗng chốc chuyển mây mưa đen kịt, chúng tôi người sau nhìn người trước mà đi, đến đoạn có những con suối cuồn cuộn chảy, chúng tôi phải nhờ sự giúp sức của người dẫn đường mới có thể vượt qua... rồi tiếp tục miệt mài, kiên trì đi trong cơn mưa rừng mát lạnh.
Chỉ đến khi đặt chân lên đỉnh núi, nơi giáp ba tỉnh, dưới làn mưa như trút nước chúng tôi mới vỡ òa trong niềm hạnh phúc, mọi mệt mỏi như tan biến bởi cuối cùng chúng tôi đã đến nơi. Điểm cắm trại là ngọn đồi cao nhất trên đỉnh núi giữa bao la trời mây núi rừng. Đã nghe nhiều, nói nhiều nhưng đến giờ chúng tôi mới tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp hoang sơ, vừa lạ lẫm vừa gần gũi. Một không gian núi rừng xanh trải dài bất tận, trùng điệp chạy ngút ngàn. Bỡ ngỡ pha lẫn sự thích thú khi lần đầu trải nghiệm loại hình du lịch đi bộ đường rừng, ngủ với rừng, nghe mênh mang tiếng gió đại ngàn khiến lòng dạt dào cảm xúc, thật hấp dẫn trong cảm nhận của mỗi thành viên.
Buổi tối, trong ánh lửa bập bùng, những thành viên ở những nơi khác nhau, ngồi lại bên nhau chia sẻ nồi cháo lá bép vừa nấu, ly cà phê nóng, thịt nướng… cùng rượu gạo. Một bữa tiệc trên đỉnh Tà Năng giữa núi non điệp trùng khiến ai cũng thấy lòng mình ấm lại.
Ngày mới, chúng tôi được đánh thức bằng tiếng chim hót véo von. Bên ngoài cánh cửa lều mở rộng, những đồi cỏ xanh rì nối tiếp nhau như dài ra vô tận. Cảm giác đón bình minh, khoảnh khắc dạo bước dưới những tia nắng vàng đầu tiên rải đều trên những ngọn cỏ và từng làn sương mỏng bay lãng đãng bên sườn đồi khiến ta như lạc vào khung cảnh mộng mơ, như có thể chạm tay vào sự thuần khiết của thiên nhiên.
Người bạn tên Tâm đi cùng đoàn với chúng tôi chia sẻ: “Mình vừa bị gãy chân phải mổ cũng trong một chuyến đi Cao Bằng cách đây hơn 1 năm. Nhưng khi, những người bạn rủ đi trekking, mình vẫn quyết định đi. Trước khung cảnh đẹp như vậy, mình như bị say trong cái đẹp của núi rừng, của đồi cỏ, những trải nghiệm có tính thử thách lại là cơ hội quý giá cho ta được đối diện với chính bản thân mình. Đích đến của việc leo núi không phải bạn đi được bao xa, lên cao bao nhiêu, mà có đến được nơi hay không chính là những gì bạn được trải nghiệm trong suốt hành trình. Và chuyến đi này mình chẳng có gì hối tiếc nữa”.
Anh K’Vân người dẫn đường của chúng tôi hào hứng nói: “Các bạn hãy dùng chính đôi mắt mình mà thưởng ngoạn, dùng chính tai mình mà lắng nghe lời thầm thì của núi rừng, và dùng trái tim để lưu lại những khoảnh khắc”.
Trong chuyến đi chúng tôi còn thấy nghĩa cử cao đẹp của không ít bạn trẻ, các bạn để lại bông băng thuốc sát trùng để những ai bị thương có thể sử dụng ngay, hay chia sẻ nhau nắm cơm dọc đường. Đặc biệt, không ít bạn làm rơi đồ trong đó có tiền cũng được các bạn tìm người đánh rơi trả lại... Đấy là hành động đẹp của những con người cùng chung niềm đam mê khám phá thiên nhiên.
Dịch vụ đi kèm
Từ khi cung đường Tà Năng - Phan Dũng trở thành địa điểm yêu thích của giới phượt thủ thì không ít các loại hình dịch vụ ăn theo phát triển.
Chị Hà Thúy Diện, quyết định bỏ sau lưng ánh hào quang của phố thị để về với vùng quê hẻo lánh để mở homestay tại thôn Chơ Ré (xã Đa Quyn) cho biết, nhà sàn homestay nhà mình nằm gần Tà Năng - Phan Dũng, một cung đường trekking rất đẹp đang thu hút sự chú ý của các phượt thủ từ hai năm trở lại đây. Với những ai không đủ sức khỏe để đi trekking nhưng muốn ngắm cảnh đẹp, trải nghiệm cuộc sống ở chốn làng quê, họ chọn đến nhà sàn của mình. Đến đây, họ có thể đi hái cà phê, trồng rau, câu cá, đọc sách, nấu ăn ngay trong bếp như ở nhà. Buổi tối, mình thường cùng khách nướng thịt, nướng khoai, nướng mía bằng bếp củi, ăn xong thì trải chiếu dưới sàn nằm ngắm sao trời tỉ tê tâm sự đến khuya.
Trekking Tà Năng - Phan Dũng thu hút khá đông bạn trẻ tham gia. Ảnh: H.Y
Ya Bi, người chuyên dẫn khách của nhà sàn homestay đưa khách lên các đỉnh núi dọc theo cung đường này nói rằng: Nếu leo lên đỉnh núi Ông có thể nhìn thấy Bình Thuận, còn núi Chây Dzưi thì nhìn về Ninh Thuận. Còn đi gần hơn là những ngọn đồi gần nhà, mọi người mang thêm đồ ăn picnic và bạt trải, nước uống, trèo lên xe máy cày di chuyển để chinh phục những ngọn núi đó và thỏa thích ngắm đồi thông, nương rẫy, trâu bò, núi non. Mỗi chuyến đi như thế Ya Bi được trả công 500.000 đồng.
Anh Vũ Đình Cường, từng là người chở gỗ lậu từ vùng Loan ra ngoài tiêu thụ, nay anh “giải nghệ” chuyển hẳn sang chở khách mỗi có khách du lịch đến du lịch tại địa phương. Anh cho biết, hằng tuần đều có khách đến đây đi du lịch, đặc biệt là ngày thứ bảy, chủ nhật lượng khách lên đây rất đông, nhờ thế mà nghề chở khách cũng ăn nên làm ra, có thu nhập đều đặn. Hiện tại, có khoảng 15 người chuyên chở khách từ Ngã ba Tà Hine vào Tà Năng đi trekking và ngược lại. Tất cả trong số họ đều là những người từng chở gỗ lậu thuê từ các vùng rừng của Bình Thuận... ra Đức Trọng.
Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ ăn uống, lưu trú cũng mọc lên gần chợ Đà Loan, nơi phượt thủ sắm vật dụng cần thiết để trải nghiệm loại hình du lịch trekking này.
Theo ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn, lâu nay du khách tới phượt cung đường Tà Năng - Phan Dũng trên địa bàn huyện chủ yếu để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Để tour du lịch này thật sự phát triển, hấp dẫn nhiều du khách cần sự chung tay của các cấp chính quyền, trong đó cần nâng cao ý thức của du khách về bảo vệ môi trường mỗi khi đến địa phương.
Một vùng quê hẻo lánh nay trở nên tấp nập, sôi động hơn nhờ hoạt động du lịch trekking, và hy vọng chẳng bao lâu vùng Loan sẽ trở thành “điểm đến” của nhiều khách du lịch đam mê dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa bản địa gốc Tây Nguyên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn