Với mong muốn tôn tạo, phục dựng di tích Nhà ngục Kon Tum, nơi chính quyền thực dân trong những năm 1930 đày ải, giam giữ tù chính trị ở khu vực Tây Nguyên, ngày 7/9, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức tọa đàm “Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà ngục Kon Tum”.
Ảnh: VGP/Trầm Hương
Buổi tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Bộ VHTT&DL, Viện Lịch sử Đảng, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học quốc gia Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tham dự.
Ngục Kon Tum là nơi chính quyền thực dân trước đây giam giữ những tù chính trị được xem là nguy hiểm nhất với chế độ cũ giai đoạn 1930-1933 ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Nơi đây cũng là là nơi ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của Kon Tum vào tháng 9/1930, được gọi là “Chi bộ Binh”. Sự ra đời của “Chi bộ Binh” có ảnh hưởng to lớn đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Nhà ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988.
Với giá trị lịch sử đó, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, cùng các cơ quan, cá nhân đã hỗ trợ cho tỉnh Kon Tum trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và công tác đầu tư, tôn tạo di tích Nhà ngục Kon Tum. Tuy nhiên, các tư liệu lịch sử về di tích này mới chỉ tập trung ở tập hồi ký của 2 tù chính trị là Lê Văn Hiến và Ngô Đức Đệ, cùng một số bài viết, công trình liên quan khác.
Công tác tôn tạo di tích chỉ mới ở giai đoạn đầu với các hạng mục như nhà trưng bày, nhà đón tiếp, tôn tạo hai ngôi mộ, sân lễ hội, tượng đài... Việc tôn tạo, phục dựng nguyên trạng di tích gốc vẫn là vấn đề trăn trở của nhân dân tỉnh Kon Tum.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp thiết thực trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo Nhà ngục Kon Tum để di tích xứng tầm với giá trị và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là địa chỉ du lịch với du khách khi đến Kon Tum.
Những nội dung tham luận, ý kiến trao đổi tại tọa đàm lần này sẽ được biên tập thành tư liệu khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum, cũng như công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích lịch sử trong thời gian tới.
Các nội dung này cũng sẽ là cơ sở để địa phương kiện toàn hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng Nhà ngục Kon Tum là Di tích quốc gia đặc biệt./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn