Du lịch Âu Lạc Việt Nam
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
  • Dịch vụ
  • Kinh Doanh
  • Điều hành
  • Thuê xe

HOTLINE: 091.551.6988 - 0986.14.05.88

Tìm tour du lịch

Tìm kiếm

Tour giá rẻ

Xem tiếp

Khuyến mại vàng

Xem tiếp

Du lịch Bến Tre – Khám phá nét đẹp cây dừa

22/12/2017 - 15:26
Cây dừa không biết có từ bao giờ trên đất Bến Tre mà đến hôm nay lại mang danh quê hương Xứ Dừa! Mỗi  khi nghĩ đến du lịch Bến Tre là mọi người lại hình dung ra những rừng dừa bát ngát; không ai biết và cứ truyền hỏi nhau theo lời thơ ngọt ngào, êm dịu và hơi mong lung.

 

Có nhiều nguồn tin cho rằng cây dừa xuất phát từ ông, cha đã đem từ miền Trung (Bình Định) vào gầy giống bởi thổ nhưỡng phù sa của ba dải cù lao do 4 nhánh sông MêKông bồi đắp; có nguồn tin là Bến Tre có 65km bờ biển giáp biển Đông, dừa trôi giạt từ Philippines sang và mộc lên tươi tốt, cho trái nhiều, có nhiều dầu và nước uống ngọt thanh, phù hợp với vùng đất phù sa này. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng ông, cha đã bám đất giữ làng và giữ gìn cho cây phát triển đến tận ngày nay để con cháu được thừa hưởng và trở thành Xứ Dừa quê.

Cây dừa đã bám chặt với đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong ẩm thực, dịch vụ, du lịch tại Bến Tre; đặc biệt hơn là khi xưa cây dừa cũng tham gia phục vụ chống giặc ngoại xâm, một loại vũ khí góp phần thắng lợi trong chiến đấu du kích của quân và dân Bến Tre.

Trong đời sống, người dân nông thôn dùng thân cây dừa có tuổi đời từ 40 năm tuổi trở lên xẻ gỗ làm cột, kèo, xiên, đòn tay, đố, vách để làm nhà và lợp mái bằng lá dừa nước, ở rất mát. Nhà dừa tuổi thọ rất cao; nếu ta chọn những đoạn gốc của những cây dừa già để làm nhà thì có thể sử dụng ba, bốn mươi năm là thường (hiện nay những điểm dừng chân tham quan du lịch thường tái hiện lại nhà dừa).

Bến Tre là vùng sông ngòi chằng chịt, lúc bấy giờ những cây cầu nước phía sau nhà cũng làm từ thân cây dừa; cây cầu bắt qua mương, qua kênh, qua rạch cũng thân cây dừa; những sào đáy ngoài kênh, ngoài sông, ngoài biển ngư dân cũng dùng thân cây dừa để làm trụ. Cái gần gũi nhất với người dân lúc bấy giờ là chất đốt để đun nấu thức ăn hằng ngày từ cọng và lá của cây dừa.

Vườn dừa Bến Tre trước năm 1975 có diện tích trên 20.000ha. Do chiến tranh tàn phá, sau ngày sau giải phóng Bến Tre chỉ còn lại 16.000ha; khi khôi phục lại kinh tế sau chiến tranh, cây dừa vẫn bám chặt với vùng đất nơi đây. Sau 30 năm, diện tích vườn dừa tăng hơn gấp đôi và đạt 37.595ha; đến năm 2012 thì toàn tỉnh có hơn 53.000ha và hiện nay diện tích vườn dừa khoảng 67.000ha, chiếm hơn 1/3 diện tích vườn dừa trên cả nước, được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa.

Cây cầu dừa là hình ảnh thân thương của vùng Nam Bộ mà Bến Tre là tiêu biểu của nơi lắm sông, nhiều rạch. Ngày nay với cuộc sống sung túc, đường xá lưu thông thuận tiện, công cuộc xóa cầu khỉ cũng đã làm cho cây cầu dừa mai một. Tuy nhiên tại vùng nông thôn vẫn còn giữ nét văn hóa nầy nên trong bài nhạc Cây Cầu Dừa của nhạc sĩ Vinh Sử có đoạn:

“Đã lâu lắm rồi không về thăm lại chốn xưa,

đã lâu lắm rồi không về đi qua cầu dừa,… “

Đặc biệt là tại những điểm tham quan du lịch thường tái hiện cây cầu dừa để cho du khách trải nghiệm chuyến hành trình về Xứ Dừa có đi qua cầu dừa.

Đuốc lá dừa cũng là nét đẹp nhân văn trong văn hóa ứng xử của người dân nông thôn khi lỡ bước đường khuya; hoặc những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trái dừa có mặt trong mâm ngũ quả ở miền Tây Nam bộ “cầu, dừa, đủ, xoài, sung”. Đó là cách nói sử dụng biến âm của phương ngữ Nam bộ “cầu vừa đủ xài và sung túc gia đình, cuộc sống trong một năm mới”.

Trong đờn ca tài tử Nam bộ hay trong cải lương Nam bộ thì không thể thiếu cây đờn cò bằng gáo dừa. Đặc biệt hơn là nghệ nhân Ba Bá (ông Võ Văn Bá) đã cho ra đời một sưu tập đàn bằng dừa và được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam với dàn nhạc cụ bằng dừa gồm: đờn cò, đờn bầu, đờn gáo, đờn tranh, đờn kìm, đờn guitar và nhiều nhạc cụ khác.

Trong ẩm thực của người dân Bến Tre không thể thiếu chất dừa, nó đã gắn bó và in sâu vào tâm, huyết mọi người nơi đây; bởi nước dừa nạo là loại nước tinh khiết, ngọt, mát, dùng để uống mà hiện nay khách du lịch đến Bến Tre không thưởng thức nước dừa xiêm là điều thiếu xót.

Nước dừa già còn làm ra thạch dừa và sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo khác để xuất khẩu; nước màu dừa (thắn từ nước dừa) dùng để cho các bà nội trợ kho thịt, cá có một màu tươi đỏ, đẹp mắt. Sửa dừa là nước cốt lấy từ cơm của trái dừa khô để chế biết ra trên 200 loại thức ăn, thức uống mà thông dụng nổi tiếng du khách thường dùng như: thịt kho nước dừa, lươn um dừa, gà ca ri nước cốt dừa, tép đất rang dừa, cơm trong trái dừa, rau câu dừa, gỏi củ hủ dừa, kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng, bánh phồng và nhiều loại bánh dân gian khác tại Bến Tre đều có nước cốt dừa.

Cây dừa ngày xưa là cây nông nghiệp, ngày nay không những là cây công nghiệp cho ra lượng dầu rất lớn để cung ứng khắp các nước mà các nhà đầu tư đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ dừa như: nước dừa tươi đóng lon, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất, mặt nạ dừa dùng làm đẹp cho phụ nữ, than hoạt tính, than thiêu kết đã được các khách hàng khó tính từ Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đón nhận.

Trong cây dừa ngày nay, ngoài trái dừa là sản phẩm cho thu nhập chính mà người trồng dừa thu hoạch từ cây dừa, những thành phần khác của dừa không bỏ bất cứ thứ gì từ cây dừa lá đến rễ như hàng trang mỹ nghệ đã sử dụng gổ thân dừa, gáo dừa, cọng bông dừa, kể cả dừa điếc không bán được, tất cả sử dụng để ra đời hàng trăm sản phẩm lưu niệm mang tính đặc thù của quê hương Xứ Dừa để làm quà cho khách du lịch khi đến Bến Tre.

Cọng lá dừa các làng nghề làm chổi và làng nghề đan giỏ cọng dừa sử dụng làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường. Vỏ trái dừa đập ra lấy sợi chỉ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu làm từ chỉ xơ dừa như thảm, vỏ đựng đồ, dây thừng; mụn dừa thì làm đất sạch xuất khẩu ra nước ngoài và làm phân trồng cây cho các nhà vườn trong nước.

Các làng nghề hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề khai thác dừa, làng nghề chỉ sơ dừa, làng nghề kẹo dừa đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển du lịch tại Bến Tre, bởi đây là những sản phẩm du lịch đặc thù mà không trùng lấp nơi đâu, nó cũng là sản phẩm mà khách quốc tế rất thích khi trải nghiệm sông nước Xứ Dừa kết hợp với những làng nghề đặc trưng này.

Du lịch Bến Tre đang khai thác lợi thế này để phát triển du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bởi tất cả các tỉnh thành đều có điểm chung là miền sông nước. Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa vẫn là nét đặc thù riêng vốn có của Bến Tre mà ông cha đã gìn giữ, lưu truyền để ngày nay nét văn hóa này trở thành cơ hội cho du lịch Bến Tre phát triển bền vững với thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa”./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn