Đoàn Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu là Trưởng đoàn tham dự phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai nhấn mạnh, đây là công ước quốc tế đầu tiên do UNWTO xây dựng kể từ khi trở thành cơ quan chuyên môn thuộc hệ thống Liên hợp quốc, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của Tổ chức.
Tại Phiên họp này, Nhóm công tác đã thảo luận về ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản Công ước ngày 13/5/2017 đã được 30 nước thành viên gửi tới Ban Thư ký UNWTO. Chủ tịch Nhóm công tác cũng cho biết có 3 nước đã thông báo nhất trí với bản dự thảo Công ước khung này. Công ước khung của UNWTO về ứng xử trong du lịch được xây dựng và phát triển trên cơ sở Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu trong du lịch đã được UNWTO thông qua năm 1999 và sau đó được Liên hợp quốc thông qua năm 2001. Việc nâng cấp Bộ quy tắc ứng xử lên Công ước nhằm mục đích thể chế hóa các nguyên tắc ứng xử trong du lịch, chuyển các quy phạm sang quy định pháp luật. Các quốc gia từ chỗ khuyến khích các chủ thể ở trong nước áp dụng các nguyên tắc ứng xử trong hoạt động du lịch sẽ phải xây dựng chương trình hành động của nước mình để hướng dẫn các chủ thể áp dụng nghiêm túc các nguyên tắc ứng xử trong hoạt động du lịch. Công ước khung sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn cầu, nhằm thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, bền vững và có thể tiếp cận thông qua việc thực hiện rộng rãi trên quy mô toàn cầu các nguyên tắc ứng xử trong du lịch.
ông ước khung sẽ quy định và cung cấp hướng dẫn thực hiện ứng xử trong du lịch cho tất cả các chủ thể trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm: (i) Chính phủ các quốc gia (ii) chính quyền địa phương; (iii) các cơ sở du lịch và các doanh nghiệp du lịch, kể cả các hiệp hội; (iv) các thể chế tham gia tài trợ cho các dự án du lịch; (v) lao động du lịch và các chuyên gia; (vi) công đoàn của người lao động du lịch; (vii) khách du lịch qua đêm và khách tham quan trong ngày; (viii) cộng đồng dân cư địa phương và cộng đồng tiếp nhận tại các địa điểm du lịch thông qua đại diện của họ; và (ix) các tổ chức và cá nhân khác có đóng góp trong phát triển du lịch bao gồm các tổ chức phi chính phủ chuyên về du lịch và trực tiếp tham gia vào các dự án du lịch và cung cấp các dịch vụ du lịch.
Công ước khung đảm bảo giữ 9 nguyên tắc ứng xử của Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu trong du lịch đã được UNWTO thông qua năm 1999. Đó là: Đóng góp của du lịch vào tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và xã hội; Du lịch, phương tiện để thỏa mãn cá nhân và tập thể; Du lịch, yếu tố phát triển bền vững; Du lịch, đối tượng sử dụng di sản văn hoá của nhân loại và đóng góp vào việc tăng cường di sản; Du lịch, hoạt động có ích cho các nước tiếp nhận và cộng đồng; Nghĩa vụ của các bên liên quan đến phát triển du lịch; Quyền đối với du lịch; Tự do di chuyển của khách du lịch; Quyền của người lao động và chủ doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Đồng thời, Công ước khung này bổ sung một Nghị định thư không bắt buộc nhằm cung cấp một quy trình giải quyết các tranh chấp, là công cụ pháp luật riêng biệt và độc lập, góp phần hướng dẫn và tăng cường việc thực hiện các nguyên tắc ứng xử cho các bên liên quan khi xảy ra xung đột. Công ước khung sẽ được dịch sang 5 ngôn ngữ chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới.
Theo kế hoạch, tại Phiên họp Đại hội đồng UNWTO lần thứ 22 sẽ diễn ra từ ngày 13-16/9/2017, căn cứ đề nghị của Tổng Thư ký UNWTO, Đại hội đồng sẽ thành lập Ủy ban đặc biệt về chuẩn bị văn bản cuối cùng của Công ước khung về ứng xử trong du lịch. Ủy ban này sẽ họp trong 3 ngày 13-15/9/2017 nhằm tiến hành rà soát lần cuối về ngôn ngữ và thể thức của Công ước quốc tế với 5 ngôn ngữ. Trường hợp chưa thống nhất được 4 ngôn ngữ còn lại thì Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 22 sẽ thông qua văn bản tiếng Anh của Công ước khung. Hiệu lực của Công ước sẽ phụ thuộc vào sự phê duyệt sau đó của các quốc gia theo điều khoản hiệu lực. Công ước khung này cũng sẽ để ngỏ cho các quốc gia thành viên UNWTO ký kết gia nhập trong thời gian 1 năm kể từ ngày ký.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn