Sẵn sàng áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm
Theo đánh giá của nhiều hãng lữ hành đưa khách đến Quảng Ninh, so với trước đây môi trường kinh doanh du lịch của Quảng Ninh đã được cải thiện hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện rõ nét hơn tại các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, như: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô... nơi tập trung đông khách du lịch. Điển hình như điểm tham quan Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long), mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trước đây, tình trạng mất an ninh trật tự, chèo kéo khách du lịch liên tục xảy ra ngay từ trên bờ, khu vực cảng tàu đón khách cho đến những điểm tham quan. Đặc biệt là những ngày lễ, Tết, khi lượng khách tăng đột biến, tình trạng “chặt chém”, tăng giá dịch vụ vẫn thường xảy ra. Nhưng đến nay nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, địa phương, các hiện tượng này đã được giải quyết triệt để, mang lại một hình ảnh đẹp về du lịch Hạ Long nói riêng và du lịch Quảng Ninh nói chung. Điều đáng nói, các hoạt động gian lận thương mại, lừa đảo du khách khi tham quan Vịnh Hạ Long đã được các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, áp dụng những biện pháp xử lý mạnh với các trường hợp vi phạm.
Trong đó, gần đây nhất là vụ việc đình chỉ hoạt động thời hạn 30 ngày đối với Nhà hàng Đức Hiếu 1, tổ 5, khu 9A, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, vào ngày 28-8-2017 vừa qua. Cụ thể, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra đã phát hiện nhà hàng Đức Hiếu 1 không niêm yết giá hàng hoá dịch vụ; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo một số nguồn tin phản ánh, nhà hàng này đã có hiện tượng “chặt chém” khách du lịch. Cũng trong tháng 8, vụ việc sa thải nữ nhân viên làm việc trên tàu Hải Âu 10 - QN1179 do nữ nhân viên tàu du lịch có thái độ ứng xử khiếm nhã, gây bức xúc cho du khách, ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Hạ Long. Nữ nhân viên này cũng bị rút thẻ ra - vào cảng, loại ra khỏi danh sách thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu du lịch trong vòng 30 ngày.
Được biết, đây là lần đầu tiên một nhân viên tàu du lịch bị sa thải ngay lập tức khi vi phạm các quy tắc về ứng xử với du khách, cho thấy quyết tâm làm sạch môi trường du lịch của TP Hạ Long, từng bước xây dựng đội tàu du lịch chuyên nghiệp, uy tín trong mắt du khách. Trước đó, hơn 200 chủ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã cam kết sẽ ký lại hợp đồng với các thuyền viên, nhân viên, trong đó có điều khoản: Nếu vi phạm sẽ sa thải hoặc tạm đình chỉ công việc. Biên bản vi phạm sau đó sẽ được gửi cho các cơ quan chức năng, theo đó sẽ không bất cứ thuyền viên, nhân viên sai phạm nào được phép xuống tàu trong một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, để quản lý các hoạt động vui chơi dưới nước trên Vịnh Hạ Long, ngày 25-8 vừa qua, TP Hạ Long đã ra công văn thông báo đình chỉ 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long do chưa thực hiện ký hợp đồng hoạt động với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long theo đúng quy định.
Việc xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã được đông đảo người dân địa phương và du khách đồng tình ủng hộ, tạo niềm tin cho du khách khi đến du lịch tại Quảng Ninh.
Các cơ quan chức năng cùng vào cuộc
Để môi trường kinh doanh du lịch được lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn, thời gian qua, các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Chỉ tính riêng trong tháng 7, TP Hạ Long, trung tâm du lịch của tỉnh đã tổ chức cho các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long ký bản cam kết thực hiện quy định ứng xử với khách du lịch. Đã có 234/234 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch ký cam kết.
Đối với thủ tục ký hợp đồng hoạt động dịch vụ đò chèo tay, kayak trên Vịnh Hạ Long năm 2017 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, TP Hạ Long đã ký với 30 công ty, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, chèo đò gồm 1.054 kayak và 177 đò chèo tay hoạt động tại 8 khu vực trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời thành phố tiếp tục triển khai các bước nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý tàu du lịch. Tổ chức rà soát thực trạng các dự án đầu tư khai thác phát triển dịch vụ trên Vịnh Hạ Long đang triển khai dở dang hoặc chậm tiến độ; triển khai bố trí hướng dẫn viên trên mỗi tàu du lịch (tàu tiếng) cho các đoàn khách không có hướng dẫn viên, đặc biệt là đối với khách lẻ đi tàu ghép để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn thuyết minh về giá trị Di sản Vịnh Hạ Long theo hành trình từ cảng Tuần Châu đến các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long; tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở tạm dừng hoạt động để xem xét việc tiếp tục hoạt động trở lại.
Cùng với trung tâm du lịch Hạ Long, TP Móng Cái cũng tiếp tục tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, điểm mua sắm, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả. Thành phố đã ban hành Quyết định Bộ quy tắc ứng xử người Móng Cái thân thiện; chỉ đạo công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, tại hội nghị và tổ chức ký cam kết thực hiện đối với gần 2.000 hộ kinh doanh tại các chợ. Đồng thời, TP Móng Cái đã triển khai công tác kiểm tra hoạt động lữ hành, điểm mua sắm, quảng cáo, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong tháng 7, địa phương đã kiểm tra 28 trường hợp, xử lý 21 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước 37,75 triệu đồng và phát mại hàng hoá 41,76 triệu đồng.
Vào cuộc cùng với các địa phương, Sở Du lịch tiếp tục triển khai chiến dịch chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Thanh tra của Sở Du lịch đã tổ chức kiểm tra 97 lượt hướng dẫn viên du lịch tại Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 Móng Cái, các điểm dừng chân tuyến Móng Cái - Hạ Long, các điểm mua sắm tại Hạ Long và Móng Cái, các điểm tham quan trên Vịnh, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Qua quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở Du lịch đã xử phạt 11 trường hợp không có thẻ, sử dụng thẻ hết hạn, không đeo thẻ, không mang chương trình với số tiền 50,768 triệu đồng. Sở Du lịch cũng đã bố trí cán bộ thường trực tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu vào các ngày cuối tuần để tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch. Đồng thời, bố trí cán bộ thanh tra tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của các địa phương kiểm tra một số cơ sở bán hàng cho khách du lịch nước ngoài.
Với các biện pháp quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của địa phương và các ngành chức năng, Quảng Ninh đang quyết tâm dẹp bỏ những “hiện tượng” làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn