Du lịch Âu Lạc Việt Nam
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
  • Dịch vụ
  • Kinh Doanh
  • Điều hành
  • Thuê xe

HOTLINE: 091.551.6988 - 0986.14.05.88

Tìm tour du lịch

Tìm kiếm

Tour giá rẻ

Xem tiếp

Khuyến mại vàng

Xem tiếp

“Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”

30/08/2017 - 09:16
Nhằm tìm các giải pháp xử lý các điểm nghẽn, vấn đề mấu chốt để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh để Du lịch VN đột phá, sáng 29/8/2017 tại Hà Nội, Tổng Cục Du lịch và Báo Lao Động phối hợp tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Hội thảo thu hút hơn 100 nhà quản lý, nghiên cứu, chuyên gia... đại diện Sở Du lịch, UBND các tỉnh/thành phố; các cơ quan quản lý du lịch; doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã dự và phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo Tổng Cục Du lịch, giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, ngành du lịch đã có bước phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao, khách du lịch quốc tế tăng 1,7 lần, trung bình tăng 11%/năm; khách du lịch nội địa tăng 2,1 lần, trung bình tăng 16%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng 3,2 lần, trung bình tăng 26%/năm. Năm 2016, du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 8,8% so với năm 2015; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2015.

Tháng 8 – vốn là tháng thấp điểm nhưng lượng khách đến Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng cao, với 1.229.163 lượt khách quốc tế, tăng 18,5% so với tháng 7/2017 và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính 8 tháng năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8.472.379 lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2016; khách du lịch nội địa ước đạt 52,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 335.840 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Tổng Cục Du lịch, lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bước đầu hình thành những điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.

Để góp phần khắc phục các hạn chế, yếu kém của du lịch Việt Nam, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, giải pháp tại hội thảo, trong đó tập trung vào 2 giải pháp chính: Chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, kinh doanh du lịch và Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác được tài nguyên du lịch vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Các diễn giả và doanh nghiệp du lịch đã cung cấp nhiều thông tin, phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp về: tầm nhìn chiến lược; chính sách phát triển du lịch phù hợp xu thế phát triển; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đủ năng lực; cải tiến công tác xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tham gia chuỗi giá trị.

Đại diện của Sun Group – một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí cho rằng: “Đẳng cấp, chất lượng của du lịch Việt Nam sẽ được dễ dàng tạo dựng, nếu chúng ta quyết tâm làm, và làm du lịch bằng cái tâm của chính các nhà đầu tư và của mỗi người Việt Nam. Sun Group cũng hy vọng rằng những kinh nghiệm trong việc tạo dựng những sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp và khác biệt của Sun Group sẽ góp phần nhỏ tạo dựng một hình ảnh Việt Nam thân thiện, ấn tượng trong mắt du khách.

Chia sẻ những kinh nghiệm của ngành Du lịch Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, Sở Du lịch đã phối hợp với các Sở ngành liên tục triển khai các khóa đào tạo “Nụ cười thân thiện” cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tập trung đối với các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển, các khu điểm du lịch, các lái xe taxi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tiểu thương tại chợ Hàn, Chợ cồn-nơi tập trung đông khách du lịch mua sắm về kỹ năng phục vụ khách du lịch để hình thành nên ý thức cộng đồng cùng làm du lịch gắn với hình ảnh “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch của Đà Nẵng””.

Đặc biệt Đà Nẵng đã phát động và triển khai thành công Chương trình nhà vệ sinh miễn phí cho du khách với khẩu hiệu “Thoải mái như ở nhà”: theo đó vận động các hộ kinh doanh du lịch tại khu vực trung tâm thành phố (tại các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Lê Duẩn…) cho sử dụng miễn phí nhà vệ sinh với 77 cơ sở đăng ký tham gia.

Tại hội thảo, Bà Lê Thị Thu Trang, đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng nội dung, giới thiệu và bán sản phẩm du lịch theo chủ đề, như lễ hội du lịch văn hóa, thể thao, nghệ thuật biểu diễn, chợ truyền thống, trải nghiệm đặc biệt…

Hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Các ý kiến đều thống nhất: để phát triển du lịch không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Tất cả đều cùng tham gia trong quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại./.
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn