Đào kênh dẫn nước để đua thuyền
Tây Tựu vốn là một làng cổ thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hằng năm, vào dịp hội, ba thôn trong phường Tây Tựu cùng tổ chức hội và thi đua thuyền. Lễ hội bơi Đăm diễn ra từ mồng 9 đến 11 tháng Ba âm lịch là một hoạt động văn hóa tâm linh của người dân nơi đây nhằm tưởng nhớ đến Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang, vị thần che chở, chăm lo việc nước nôi cho dân cày cấy. Xa xưa, vào những năm được mùa, hội bơi Đăm được tổ chức lớn và kéo dài trong suốt 5 ngày. Những năm gần đây, hội bơi Đăm cứ 5 năm lại được tổ chức hội chính một lần với nhiều hoạt động như: rước kiệu, bơi thuyền và đấu vật, đánh cờ người… Hội được tổ chức chính tại đình Đăm, có rước kiệu từ miếu Tây Đam và đình Trung Tựu về đình Đăm.
Theo kết quả kiểm kê di tích trên địa bàn TP. Hà Nội, chí ít có ba điểm di tích liên quan đến Lễ hội bơi Đăm là: miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu. Nếu đình làng Đăm nằm ngay sát sông Pheo là địa điểm chính để tổ chức các nghi thức thực hành của Lễ hội bơi Đăm, còn miếu Tây Đam là nơi Thánh được rước từ miếu xuống đình Đăm trước khi các nghi lễ tại đình tiến hành và là điểm cuối cùng của đường đua bơi… Đầm Đăm hay còn gọi là sông Pheo, dài 1.000 mét, rộng gần trăm mét, nguyên là một khúc của sông Nhuệ cổ. Sau sông Nhuệ bị cạn, đoạn sông Đăm do sâu và rộng nên trở thành đầm. Đoạn đường đua thuyền là một đường đua nhân tạo, rộng khoảng 100m, độ sâu trung bình 3m được nhân dân nắn dòng và tăng độ rộng lên gấp 10 lần so với sông Pheo hiện nay.
Các nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận điểm đặc biệt nhất và giá trị lớn nhất của công trình này là nằm ở tính khoa học trong việc xây dựng hệ thống cấp thoát nước Đầm Đăm trong những dịp lễ hội. Để cung cấp đủ nước cho cuộc đua thuyền, người xưa đã đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng về qua một cống nước. Lấy đủ nước đảm bảo cho cuộc đua được tiến hành thuận lợi, người ta sẽ đóng điểm đầu và điểm cuối của hệ thống cống thoát nước lại. Sau khi lễ hội kết thúc, cống cấp nước sẽ đóng lại và nước sẽ được xả ra ngoài bằng cống thoát nước. Theo tục làng, dù là hội lệ hay hội chính thì từ ngày đầu năm cho đến hết ngày 15 tháng Ba âm lịch, làng có lệ cấm tuyệt đối không ai được xuống đầm đánh bắt cá tôm, gọi là Canh chay.
Giá trị Lễ hội bơi Đăm
Sau một thời gian bị gián đoạn, đến năm 1994, lễ hội bơi Đăm mới được tổ chức lại nhưng thời gian mở hội và việc thực hiện các nghi thức đã có sự thay đổi so với trước đây. Điểm đặc biệt và độc đáo của Lễ hội bơi Đăm chính là vừa rước Thánh đường bộ, vừa rước đường thủy. Việc thi bơi vừa là một nghi lễ vừa là một hình thức rèn luyện sức khỏe, vừa mang tính nghệ thuật cao của hội bơi Đăm… Với nghi lễ bơi diễu và bơi lượn trên sông Pheo, bơi Đăm lúc này chỉ mang tính chất bơi thờ, bơi dạo, bơi biểu diễn do đó các thuyền không ganh đua và vội vã mà thường cố bơi thật đẹp, thật nhẹ nhàng, ngoạn mục để lôi cuốn người xem. Không chỉ là một lễ hội cổ tồn tại khoảng hơn 200 năm, được dân làng bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ.
Việc tổ chức lễ hội chính là một hình thức truyền lại cho các thế hệ mai sau về những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha ta đã để lại một cách tự nhiên, sinh động mà thấm thía, khắc sâu vào tâm trí. Mặc dù ở gần trung tâm Thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, lễ hội bơi Đăm vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị chính trị hóa, thương mại hóa. Ngoài kỹ năng và cách thức thực hành, điều quan trọng nhất chính là yếu tố cộng đồng, tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Với những giá trị độc đáo, Lễ hội bơi Đăm đã được các nhà quản lý văn hóa, giới nghiên cứu văn hóa thủ đô nhất trí trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.
Thành phố HN cũng đã đưa ra chương trình hành động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, trong đó Sở VHTT Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa và mua mới thuyền chải phù hợp với tập quán và địa thế sông ở làng Đăm và phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng điểm du lịch làng nghề kết hợp văn hóa tâm linh nhằm phát huy được giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn