Với độ cao 2.979 m, đỉnh Tà Chì Nhù thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có khí hậu khắc nghiệt nhưng lại rất lý tưởng để “săn mây” vào những ngày trời đẹp. Tà Chì Nhù, còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của người dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người dân tộc Mông, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Hiện Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam và được ví như một đại dương trên mây thu hút dân nghiền ảnh và những người đam mê trekking khám phá.
Cung đường từ Hà Nội lên đỉnh Tà Chì Nhù phải đi qua Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, rồi vào bản Xà Hồ. Từ trung tâm xã chỉ đi được xe thêm 6-7 km nữa là bạn phải gửi xe rồi bắt đầu hành trình leo núi đầy thử thách. So với đỉnh Fansipan thì Tà Chì Nhù thấp hơn nhưng đường lên đỉnh cao Yên Bái này khó khăn hơn gấp bội. Còn đường mòn dẫn lên đến đỉnh gần như độc đạo, dựng đứng, đôi lúc như đi trên sống núi. Ngay từ chân núi sương mù đã bao vây, dày đặc. Vì thế các đoàn leo cứ lầm lũi, người nọ nối người kia, xuyên thẳng qua đám sương trắng mờ. Đó là còn chưa kể càng lên cao gió càng mạnh, nhiều đoạn bạn phải ngồi thụp xuống để tránh cái gió như quất vào mặt, rít lên từng hồi. Dốc ngược lên tận đỉnh, tít tắp như không có đoạn nghỉ nên Tà Chì Nhù dễ làm người ta nản. Nhưng nếu không leo cố lên cao độ trên 2.000 m để cắm trại qua đêm thì bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được khoảnh khắc trên mây đẹp nhất lúc hoàng hôn và bình minh nắng sớm. Cái mệt cùng hơi thở dốc như lẽo đẽo theo bạn trên mỗi bước chân, không biết đâu là điểm dừng khi hai bên cánh rừng già hun hút. Nhưng chỉ cần đi hết rừng nguyên sinh là đến khu rừng trúc. Màu xanh của lá, màu vàng của thân cây xen lẫn màu sương đục, lẩn khuất trên đầu những đám mây vờn vũ sẽ tiếp sức cho bạn trên hành trình chinh phục. Dưới chân núi mây mù là thế nhưng ở trên cao khi trời còn sáng, bạn có thể thấy những vạt nắng nhẹ in trên màu mây trắng xốp. Tần ngần giây lát rồi chẳng mấy chốc bóng đêm đã đổ ụp xuống bất ngờ. Hạ trại và nhóm ánh lửa bập bùng trong đêm tối, xua tan cái lạnh thấu xương. Để rồi sáng sớm hôm sau chỉ cần mở mắt là bạn đã có thể chạm vào giấc mơ mây. Tuy nhiên, biển mây thật sự chỉ thấy khi bạn ở trên đỉnh Tà Chì Nhù. Trên đường từ cao độ 2.000 m lên đến đỉnh bạn sẽ bắt gặp những triền đồi cây cỏ mọc lưng chừng bụng, màu lá xanh, hoa tím, trắng trải dài trông xa không khác nào một thảo nguyên rộng lớn. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một đàn ngựa nhởn nhơ khiến bạn cứ ngỡ như mình đang lạc giữa bình nguyên của người du mục. Càng lên cao, mây càng nhiều nhưng không phải là lớp mây mù, đùng đục mà là từng mảng mây trắng phau, chờn vờn quanh đỉnh núi. Dưới cái nắng sớm trong vắt như pha lê, mây ánh lên màu hồng quyến rũ. Đi thêm chút nữa là những lán nuôi trâu, nuôi bò khiến khung cảnh trên cao không hề hiu hắt mà căng tràn nhựa sống. Bước chân vội vã khi người leo núi như đuổi theo những đám mây lờ lững trên đầu, đến khi quay lại thì cả một biển mây bị bỏ lại sau lưng và đỉnh Tà Chì Nhù đã ở ngay trước mặt. Những quả đồi hiện ra trong tầm mắt như những hòn đảo giữa một biển mây trắng bồng bềnh. Trước mặt là “đảo” Tà Chì Nhù, xa hơn là “đảo” Tà Y Chơ, bên trái là “đảo” Tà Xùa, ảo mờ phía sau là "quần đảo" Phu Sung Song. Có lẽ chưa bao giờ bạn cảm thấy mây và trời gần đến thế, như chỉ cần với tay là có thể chạm được mây. Những áng mây lúc này không ở trên đầu mà nằm ngang tầm mắt, khi thì lập lờ, mềm mại như dải lụa, lúc lại bông tơi, trắng xóa như kem bông. Theo đường chạy mặt trời những đám mây hiện lên rõ nét, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu. Những ngày nắng đẹp đầu đông là thời gian thích hợp để bạn chinh phục Tà Chì Nhù. Vì nắng không quá gắt và gió không quá lạnh sẽ giúp bạn leo không mất sức, đồng thời trời đủ xanh để những áng mây khoe được sắc trắng tinh khôi. Nếu không có nhiều thời gian bạn chỉ cần tranh thủ leo một ngày rưỡi là đủ. Nhớ mang theo lều trại, đồ ăn và thức uống (dù trên đường có suối lấy nước) để cắm trại qua đêm./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn