Du lịch Âu Lạc Việt Nam
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
  • Dịch vụ
  • Kinh Doanh
  • Điều hành
  • Thuê xe

HOTLINE: 091.551.6988 - 0986.14.05.88

Tìm tour du lịch

Tìm kiếm

Tour giá rẻ

Xem tiếp

Khuyến mại vàng

Xem tiếp

Sóc Trăng khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch

15/12/2017 - 11:48
Sóc Trăng có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, chùa chiền (tâm linh) phong phú, là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước. Khai thác du lịch đi đôi với bảo tồn, giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa một cách khoa học sẽ đưa du lịch của tỉnh phát triển bền vững.

 

Tiềm năng dồi dào

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nằm ở phía nam sông Hậu, có bờ biển dài 72 km với ba cửa sông lớn đổ ra biển là: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50 km dọc theo bờ sông Hậu. Trên những cù lao ấy là những vườn cây trái sum suê, trĩu quả không chỉ mang lại giá trị trong sản xuất nông nghiệp mà còn là lợi thế để tỉnh Sóc Trăng phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, sông nước miệt vườn, trải nghiệm - khám phá và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, Sóc Trăng là điểm đến thật sự lôi cuốn khách du lịch bởi đây là vùng đất của những ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như chùa Ma-ha-túp (Chùa Dơi), chùa Kh’leang, chùa Đất Sét (TP Sóc Trăng), chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu - xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên)… Tiến sĩ Nguyễn Đệ (Khoa Văn hóa, Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đồng bào Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng hầu hết đều có tín ngưỡng Phật giáo, có đời sống tinh thần gắn với ngôi chùa, là trung tâm của phum sóc. Vào dịp lễ hội, ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi thực hiện các nghi thức cầu - cúng của các phật tử mà còn là địa điểm hội họp, tiếp khách, vui chơi của cộng đồng. Ngôi chùa cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện đậm nét phong cách kiến trúc truyền thống và sự kế thừa sáng tạo của cộng đồng người Khmer Nam Bộ qua nhiều thế hệ. 92 ngôi chùa Khmer trên địa bàn toàn tỉnh là một lợi thế, tiềm năng khai thác du lịch văn hóa, tâm linh rất lớn của Sóc Trăng.

Bên cạnh những đặc điểm chung mang đặc trưng của văn hóa cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng còn được xem là vùng đất của các lễ hội đất phương nam, thu hút khách khắp nơi về tham gia thưởng ngoạn. Có thể điểm qua một số lễ hội đặc trưng của Sóc Trăng như: Lễ hội Cúng Dừa - Thác Côn, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Sen Đôn-ta, lễ dâng y Kathina, lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo, lễ hội Nghinh Ông, lễ Cúng Phước biển, lễ cúng Bà Thiên Hậu… được tổ chức quanh năm ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, đặc sắc nhất và được mong chờ nhất là lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo hay còn gọi là lễ cúng Trăng của đồng bào Khmer, được tổ chức vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội Óc Om Bóc còn có ngày hội Đua ghe Ngo, một môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, thu hút hàng nghìn vận động viên cả nam lẫn nữ tham gia vốn là những nông dân chân chất vùng miệt vườn, sông nước. Tiến sĩ Võ Thị Mỹ (Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, nét độc đáo của đua ghe Ngo là đua thuyền độc mộc cỡ lớn có từ thế kỷ 18. Chiếc ghe Ngo được trang trí hoa văn, mầu sắc sặc sỡ, bắt mắt, có từ 50 đến 60 vận động viên tham gia thi đấu, đòi hỏi sự phối hợp, tinh thần tập thể và nghệ thuật điêu luyện. “Đua ghe Ngo đã trở thành một trong những lễ hội náo nhiệt nhất, một hoạt động văn hóa, thể thao thu hút khách du lịch đến với Sóc Trăng và để lại ấn tượng sâu sắc với bất cứ ai một lần đến nơi này”, Tiến sĩ Võ Thị Mỹ đánh giá.

Chị Ngô Thị Kim Châu, du khách đến từ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, năm nào chị cũng xem đua ghe Ngo qua truyền hình, cho nên ao ước được một lần đến Sóc Trăng xem tận mắt. Chị bảo: “Tôi chưa thấy lễ hội nào hào hứng, hấp dẫn, rộn ràng như đua ghe Ngo. Cứ nhìn hai bên bờ sông thì thấy, những dòng người ken cứng. Có thể nói, đây là một trong những lễ hội đông nhất của cả Nam Bộ”. Còn ông An-đriu, du khách đến từ I-ta-li-a bày tỏ: “Tôi thật sự phấn khích với lễ hội Đua ghe Ngo. Tôi thích mầu sắc của lễ hội và tốc độ lướt đi của những con thuyền đặc biệt này. Một lễ hội độc đáo, một nét văn hóa đặc trưng mà không tìm thấy được ở nơi nào khác. Tôi sẽ quay lại vào dịp lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo những năm sau”. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đệ, trong xu hướng hiện nay, các loại hình du lịch văn hóa đang có chiều hướng phát triển mạnh. Trong đó, lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc là nguồn chất liệu quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa. Sóc Trăng có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, chùa chiền rất phong phú, là tài nguyên du lịch vô cùng quý giá của Sóc Trăng. Khai thác du dịch đi đôi với bảo tồn, gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa một cách khoa học sẽ đưa du lịch của tỉnh phát triển bền vững.

Nỗ lực để trở thành điểm đến hấp dẫn

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, lượng khách du lịch đến tỉnh và doanh thu từ du lịch hằng năm đều tăng từ 7 đến 12%. Từ vài trăm nghìn khách du lịch cách đây mười năm, đến năm 2015, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng đã đạt hơn một triệu lượt, doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng, nhiều điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động, cơ sở lưu trú xây dựng mới tăng gấp bảy lần. Xác định lợi thế và sớm triển khai để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, Sóc Trăng có ít nhất một điểm du lịch cấp quốc gia, một khu du lịch và bảy điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận; duy trì lượng khách tăng bình quân 7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20%/năm; đến năm 2020 lượng khách du lịch đến Sóc Trăng đạt 1,7 triệu người. “Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu); Khu du lịch sinh thái Song Phụng, Khu du lịch sinh thái vườn cò (huyện Mỹ Xuyên). Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư cũng được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những dự án này khi đi vào hoạt động sẽ trở thành những điểm đến hấp dẫn thu hút du khách đến với Sóc Trăng”, Giám đốc Trần Minh Lý nói.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Phan Đình Huê, du lịch Sóc Trăng muốn phát triển thì còn nhiều việc phải làm, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là việc làm trọng tâm và cấp bách. “Nguồn nhân lực du lịch của Sóc Trăng hiện nay rất thiếu, yếu và chưa chuyên nghiệp. Đặc biệt là hạn chế của cán bộ lãnh đạo về ngành kinh tế du lịch và nghiệp vụ phát triển sản phẩm của cán bộ trực tiếp quản lý du lịch”, ông Huê thẳng thắn nêu thực trạng. Đồng quan điểm, Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn nhận định, nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong phát triển du lịch của bất kỳ địa phương nào và là một lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Nhân lực ở đây là cả nhân sự quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng người dân tham gia hoạt động du lịch và lực lượng quản lý doanh nghiệp du lịch. Có nguồn nhân lực tốt thì chất lượng dịch vụ tốt, sẽ cho ra đời các sản phẩm du lịch tốt, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và du khách.

Theo Thạc sĩ Lâm Thanh Sơn (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sóc Trăng), để tạo ấn tượng trong lòng du khách thì du lịch Sóc Trăng cần có một điểm nhấn. Đó là một “không gian văn hóa” với hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật, các nghi thức lễ hội, các nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực của cộng đồng ba dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer. Du khách có thể thưởng thức một trích đoạn sân khấu Dù Kê hoặc nghệ thuật Rô-băm với vai Chằn đầy cá tính mà tốt bụng; xem diễn tấu dàn nhạc ngũ âm hoặc điệu múa Sa-dăm sôi động và thưởng thức món ăn đặc sắc của địa phương. Chắc chắn đó sẽ là những ấn tượng khó quên, níu chân du khách trong hành trình khám phá văn hóa - du lịch Sóc Trăng. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cũng nhấn mạnh: Du lịch Sóc Trăng giàu tiềm năng, phong phú, địa lý thuận lợi, sản phẩm du lịch rất cụ thể. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm, thống nhất của lãnh đạo các cấp, ngành và sự đồng thuận của cộng đồng, với chương trình hành động thật sự. Nếu làm tốt thì Sóc Trăng sẽ có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, du lịch Sóc Trăng cần có những bước đột phá, đầu tư liên quan đến hạ tầng, để trở thành trung tâm trung chuyển khách du lịch đường bộ và đường biển của đồng bằng. Sau khi dự án cầu Đại Ngãi nối tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Trà Vinh trên tuyến quốc lộ 60 tạo thành trục dọc hành lang phía đông cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn cự ly từ TP Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 km, sẽ là cơ hội để du lịch Sóc Trăng kết nối với các đô thị lớn./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn