Giới thiệu làng du lịch cộng đồng Ta Lang.
Làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha Lêê là điểm du lịch cộng đồng vô cùng hấp dẫn. Quý khách được chào đón bằng lễ nhập làng một bên chiêng trống, một bên là các sơn nữ Cơ Tu trong điệu Tung tung da dá và già làng làm lễ nhập làng cho từng du khách. Đây chính là lễ kết nghĩa để quý khách thật sự trở thành người con của núi rừng Tây Giang.
Làng du lịch cộng đồng Ta Lang nằm bên con suối Ta Lang hiền hòa, trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ta Lang là nơi lưu giữ rất nhiều dấu ấn văn hóa Cơ Tu, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn nhạc cụ dân tộc aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò), đan lát, dệt thổ cẩm,… cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đây chính là kho báu của dân tộc Cơ Tu nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Ở đây, du khách sẽ được Trải nghiệm một ngày làm người Cơ Tu trải nghiệm các hoạt động văn hóa của đồng bào, chơi các trò chơi dân gian của người Cơ Tu như: đi cà kheo, ném vòng mây, giã gạo, bắn ná, bắt cá bằng vợt bên suối Ta Lang; học cách làm các món ăn truyền thống, dân dã mang hương vị núi rừng như bánh sừng trâu, cơm lam, gà nướng ống tre, rau rừng...trải nghiệm xuôi dòng Ta Lang bằng bè tre, vào rừng hái rau, ra đồng tuốt lúa,… hay đạp xe thăm thác R’cung.
Với những du khách ưa khám phá, khi tới làng du lịch cộng đồng Ta Lang, có thể đắm mình bên thác R’cung trắng xóa, trekking tìm hiểu 12km đường Hồ Chí Minh cũ còn lại ở Tây Giang, thăm địa đạo Axoò. Nhưng có lẽ, thú vị nhất ở làng Ta Lang là khi tham gia điệu múa Tung tung da dá-Vũ điệu dâng trời của đồng bào Cơ Tu. Những cô gái mềm mại, những chàng trai hùng dung của Ta Lang sẽ thể hiện điệu múa như một cách kết nối giữa thế giới thực tại với tổ tiên, ông bà. Điệu múa này cũng thể hiện sự mạnh mẽ, khát vọng chinh phục vũ trụ và đón đợi ơn trời đất.
Trải nghiệm một ngày làm người Cơ Tu, giao lưu văn hóa ẩm thực và văn nghệ cùng người dân bản địa tại Ta Lang là điều quý khách không thể bỏ qua khi đến đây.
Trải nghiệm một ngày làm người Cơ Tu.
Tác giả bài viết: Âu Lạc Việt Nam
Nguồn tin: Du Lịch Cộng Đồng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn