Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ĐBQH đoàn Hà Tĩnh) khẳng định động lực tăng trưởng không còn đến từ tăng khai thác dầu thô, nâng mức tăng trưởng tín dụng mà chủ yếu đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ, nhất là du lịch.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ĐBQH đoàn Hà Tĩnh) khẳng định động lực tăng trưởng không còn đến từ tăng khai thác dầu thô, nâng mức tăng trưởng tín dụng. (Nguồn: Chinhphu.vn)
Tại buổi thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 sáng 24/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lý giải các chỉ số về tăng trưởng, thu ngân sách của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2017 tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10 về tình hình kinh tế, xã hội.
Cụ thể, tại tổ 19, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) bày tỏ vui mừng khi nghe Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội, dự báo cả năm 2017, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng vẫn băn khoăn về các số liệu kinh tế.
Để tạo niềm tin khoa học cho các ĐBQH đây là số thực thực chứ không phải số ảo, đại biểu cho rằng Chính phủ cần có báo cáo giải trình cụ thể hơn khi dẫn ví dụ, chỉ số GDP, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%. Tính trung bình thì sao 9 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,41%? Tại sao GDP quý III tăng cao 7,46% trong khi giải ngân vốn đầu tư chậm, trái phiếu không chi được, thu ngân sách nhà nước từ cả 3 khối doanh nghiệp đều không đạt…?
Lý giải điều này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tăng khai thác dầu thô, và tăng tín dụng khiến tăng trưởng Quý III cao hơn hẳn so với Quý I và II/2017.
Phó Thủ tướng khẳng định động lực tăng trưởng của Việt Nam đã không còn đến từ việc tăng khai thác dầu thô hay nâng mức tăng trưởng tín dụng như những năm trước. Cụ thể từ năm ngoái tới năm nay, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô (kế hoạch năm 2017 chỉ khai thác 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015), tiếp đó là than đá (đang khai thác khó khăn, chi phí lớn ở độ sâu âm 285m so với mặt nước biển).
“Cứ giảm khai thác 1 triệu tấn dầu thô thì GDP giảm 0,25%. Như vậy giảm 3 triệu tấn, thì làm giảm GDP 0,75%. Giờ muốn khai thác thêm dầu để cho tăng trưởng thì có muốn cũng không được vì phải khai thác ở vùng biển xa, chi phí lớn, trữ lượng giảm, nhất là lượng dầu có khả năng thương mại”, Phó Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh công nghiệp khai khoáng 9 tháng đầu năm giảm 8,08% nên không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô.
Về băn khoăn tăng trưởng dựa vào tín dụng, Phó Thủ tướng phân tích, Chính phủ nâng mức tăng tín dụng của cả năm 2017 từ 18% lên mức 20- 21% chỉ là chỉ tiêu định hướng trong điều hành. Trong 9 tháng qua, tín dụng tăng 12%, tương đương với mức tăng 9 tháng năm ngoái nên không thể nói tăng trưởng dựa vào tín dụng.
Phó Thủ tướng trấn an các ý kiến lo ngại dư địa 9% còn lại cho tăng trưởng tín dụng cho Quý IV sẽ khiến lạm phát tăng lên khi việc sử dụng dư địa này phải bảo đảm lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,6- 1,8%, đáp ứng chỉ tiêu lạm phát đặt ra bình quân dưới 4%. Ngoài ra, việc điều hành tín dụng cũng phải phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Vừa qua tín dụng “chảy” vào đúng chỗ như công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, du lịch,...
Phó Thủ tướng cũng lý giải thêm rằng: “Không phải tính bình quân 3 quý cộng lại chia bình quân là ra GDP của 9 tháng. Mà quy mô GDP mỗi quý, mỗi tháng khác nhau và tính theo quý là tính trực tiếp của quý đó và tính GDP cả năm thì tính GDP của cả năm. Giờ cuối năm muốn đạt 6,7% thì tăng trưởng Quý IV không phải là 7,9% để chia bình quân mà chỉ cần đạt mức tăng của Quý IV là 7,31% thì cả năm sẽ đạt 6,7%”.
Trong bối cảnh tăng trưởng không đến từ tăng khai khoáng, đẩy mạnh tín dụng, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ các động lực của tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng (đóng góp vào 2,5- 2,6 điểm % GDP); dịch vụ, nhất là du lịch (đóng góp 3,2 điểm % vào tăng trưởng, bù đắp được thiếu hụt từ dầu thô); nông nghiệp trong 9 tháng đóng góp 0,43 điểm %,...
Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện khi chỉ số ICOR của năm 2016 là 5,3 thì năm 2017 thì 4,7- 5 điểm. Năng suất tổng hợp TFP tăng từ 5- 6% so với năm ngoái đạt mức 30- 31%.
Về thu ngân sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng băn khoăn của các đại biểu về ngân sách là chính xác vì năm 2017 tỷ lệ giải ngân vốn FDI cao kỷ lục, khoảng 17 tỷ USD, thì nguồn thu ngân sách chủ yếu là thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế nhà thầu…
Ngoài ra thu ngân sách cũng giảm khi người dân hạn chế mua xe ô tô để chờ tới 1/1/2018 mới mua xe hưởng thuế xuất 0% nên các tỉnh như Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và Hải Dương bị hụt thu thuế.
“Hiện nay, nguồn thu ngân sách mới đạt được 16% dự toán nhưng chắc chắn đạt được kế hoạch, vì cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tới Quý IV mới tiến hành triển khai với số vốn bán ra lớn như Tập đoàn cao su Việt Nam, PVOil, Tổng công ty điện lực dầu khí, Lọc hoá dầu Bình Sơn, thoái vốn ở Vinamilk...
Thêm vào đó, thu ngân sách ở khu vực ngoài quốc doanh tăng hơn 20% so với năm ngoái”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn