(TITC) - Tối 25/10/2017, Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Bắc Giang lần thứ 2 năm 2017 đã chính thức khai mạc tại khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Nguồn ảnh: Báo Dân trí
Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 – 2020”, giúp nhân dân có cái nhìn sâu sắc hơn về hát Văn, hát Chầu văn và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, đây là dịp để các nghệ nhân tỉnh Bắc Giang có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau; góp phần xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn trong đời sống đương đại; định hướng về nhận thức và hoàn thiện nội dung, hình thức âm nhạc của loại hình nghệ thuật này trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Diễn ra đến ngày 27/10, Liên hoan thu hút sự tham gia của gần 250 nghệ nhân, cung văn, thanh đồng, diễn viên, nhạc công đại diện cho 10 huyện, thành phố trong tỉnh và các CLB hát Văn, hát Chầu văn khách mời đến từ TP. Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nam Định. Mỗi đơn vị tham gia biểu diễn ba tiết mục hát Văn (mỗi tiết mục không quá 5 phút) ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người Việt Nam và ba giá Chầu văn (mỗi giá không quá 15 phút) diễn xướng theo nghệ thuật truyền thống ca ngợi công đức các vị thần, anh hùng có công với quê hương, dân tộc.
Sau lễ khai mạc, đoàn Lục Nam (Bắc Giang) và CLB Bảo tồn văn hóa thờ Mẫu Việt Nam (thuộc đoàn Hà Nội) biểu diễn tiết mục diễn xướng chào mừng. Bằng cách sử dụng âm nhạc độc đáo, trang phục ấn tượng, cách sắp đặt, bài trí không gian đặc sắc, với lời văn trau chuốt, nghiêm trang, các thanh đồng, cung văn đã hóa thân thành các vị thần, thánh biểu diễn những màn múa, hát ấn tượng thu hút đông đảo người xem.
Hát văn (còn được gọi là hát chầu văn, hát bóng) là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, do cung văn thể hiện, có sự phối hợp của dàn nhạc hầu đồng. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Lời văn trong hát văn hầu đồng chủ yếu được phổ từ thơ ca dân gian theo thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn, vui tươi. Chất thơ của bài văn được đẩy lên cao trong không khí tâm linh thành kính, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của người hầu đồng. Trong nghi lễ hát văn hầu đồng của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn