Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Sau 5 năm triển khai bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan, công tác đầu tư, tu bổ các di tích gắn với sự ra đời của hát Xoan đã được đặc biệt quan tâm; 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện cho trình diễn hát Xoan thờ Thần. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, quảng bá hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chú trọng, đầu tư liên tục với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị cùng các cơ quan báo chí, truyền thông, văn hóa, giáo dục của địa phương và Trung ương với nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng. Các chương trình biểu diễn quảng bá hát Xoan với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nghệ nhân, thành viên các phường Xoan gốc và diễn viên các đơn vị nghệ thuật, đã gây ấn tượng tốt đẹp với nhân dân cả nước và du khách nước ngoài. Cùng với đó, việc truyền dạy và thực hành hát Xoan tại cộng đồng và cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ hát Xoan, dân ca trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên. Di sản hát Xoan tiếp tục được đưa vào trường học. Đến nay, 100% các trường tiểu học, THCS đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn âm nhạc. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thực hành hát Xoan tại các phường Xoan, các gia đình nghệ nhân; phục hồi các bài Xoan cổ và khôi phục tục lệ hát Xoan truyền thống… Từ lúc chỉ có hơn 100đào, kép hoạt động không đều, quá nửa đã trên 60 tuổi tại các phường Xoan gốc và chỉ có 7 trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy, đến nay toàn tỉnh có 4 phường Xoan gốc, 30 câu lạc bộ hát Xoan với trên 1.200 người tham gia thực hành hát Xoan; trong đó số thành viên tham gia các câu lạc bộ hát Xoan trên 1.100 người, tăng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi hát Xoan được UNESCO công nhận năm 2011. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết, tháng 3/2017, hồ sơ hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được gửi đến UNESCO để đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo ông Hà Kế San, hồ sơ đệ trình UNESCO lần này đã được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về di sản đến các tư liệu ảnh và nội dung. Hồ sơ đã tập trung khẳng định được những điểm nổi bật gồm: Hát Xoan là một di sản đặc sắc, đại diện cho cộng đồng Phú Thọ; hát Xoan được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thể hiện bằng những gương mặt cụ thể của các thế hệ đang tham gia trình diễn và thực hành hát Xoan; sức sống trường tồn của hát Xoan trong đời sống hiện nay, thông qua việc phát triển các câu lạc bộ, những người yêu thích và công chúng của hát Xoan. Đồng thời, hồ sơ cũng thể hiện chương trình bảo tồn hát Xoan có tầm nhìn đối với thế hệ trẻ bằng việc có nhiều trường học đưa hát Xoan vào chương trình giảng dạy, các tiết học lịch sử địa phương, văn hóa âm nhạc. Ông Hà Kế San cho hay, dựa trên các tiêu chí của UNESCO, hát Xoan phải bảo đảm mang tính giá trị, tính cộng đồng và được truyền dạy liên tục từ đời này qua đời khác. Phú Thọ đã và đang làm để khẳng định sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại. Vì vậy, Phú Thọ sẵn sàng đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./. |