Theo đó, Trung tâm phải thêm người, tăng ca trực và tổ chức thêm các hoạt động tạo ấn tượng cho du khách như: lễ Đổi gác (tái hiện lại phiên gác của cấm vệ quân cung đình xưa), trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc…cùng các chương trình âm sắc hoàng cung, tái hiện các trò chơi cung đình. Anh Lưu Phương Minh, một người khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hài lòng với cung cách phục vụ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Mặc dù đi du lịch theo gia đình, nhưng khi yêu cầu có nhân viên giới thiệu các điểm di tích đều được đáp ứng đầy đủ. Khi đến Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội, Huế - một địa điểm nằm trong Hoàng cung Huế vốn là nhà hát trong hoàng cung xưa, được xem biểu diễn nhã nhạc Huế, điều mà lâu nay ở Thành phố Hồ Chí Minh anh mới chỉ được nghe, cả gia đình cứ luyến tiếc mãi khi chương trình kết thúc. Anh hy vọng nhã nhạc Huế được phục vụ để đến rộng rãi hơn với công chúng. Theo ông Phan Thanh Hải, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, đến nay, Nhà hát Duyệt Thị Đường có trên 40 bài nhạc lễ, nhiều tiết mục múa cung đình đặc sắc được sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đưa Nhã nhạc Huế từ chốn cung đình đến với công chúng, du khách. Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn tăng cường quảng bá và khai thác tour du lịch Đại nội Huế về đêm đón khách du lịch. Ngoài ra, du khách và nhân dân địa phương còn được tham quan các triển lãm, trưng bày và thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật cung đình đang được thực hiện tại một số điểm di tích Huế. Các hoạt động này nhằm tạo thêm dấu ấn, sự duyên dáng cho du lịch Huế; đồng thời, tăng sức hút của quần thể di tích Cố đô Huế, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với cộng đồng và du khách. Hoàng cung Huế (Đại Nội) ở tỉnh Thừa Thiên - Huế được Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam xếp là một trong 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017. Đây cũng là lần thứ 2 trong hai năm 2016, 2017, điểm tham quan Hoàng cung Huế vinh dự nhận giải thưởng này. Nổi bật, Hoàng cung Huế đang thu hút du khách với tour du lịch “Huế - một điểm đến 5 di sản” gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Kể từ khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay, bằng các nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn khác, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai trùng tu, phục hồi gần 150 công trình. Cùng với đó hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường, phần nội thất công trình của hệ thống di tích Cố đô Huế đã được trùng tu, trả lại diện mạo vốn có cho di tích. Nhiều công trình được trùng tu đã phát huy giá trị trong việc đón du khách đến tham quan như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế... Đến cuối tháng 8/2017, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón 2,2 triệu lượt khách du lịch; trong đó hơn 1,1 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu từ vé tham quan và các dịch vụ trong di tích đạt 222 tỷ đồng, bằng số thu cả năm 2016./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn